Mới đây, tại chương trình Ươm mầm khởi nghiệp trên sóng truyền hình, ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) đã chia sẻ về thực trạng khởi nghiệp công nghệ sáng tạo tại Việt Nam. Theo ông, năm 2019 là một năm đỉnh cao của startup công nghệ.
"Đỉnh cao đến mức có rất nhiều startup ngáo giá, được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư ngáo bóng. Ngáo bóng ở đây là các nhà đầu tư gọi vốn đốt tiền đổ vào doanh nghiệp để thổi một bong bóng công nghệ rất lớn", Shark Bình phân tích.
Trên thực tế, từ "ngáo giá" đã được ông Bình sử dụng trên sóng Shark Tank Việt Nam khi nói về các nhà sáng lập định giá công ty của họ quá cao.
Cũng theo ông Bình, từ giữa năm 2019, bong bóng công nghệ trên thế giới đã bắt đầu xẹp dần, với sự đi xuống của các startup như WeWork hay Uber. Giới đầu tư công nghệ thế giới đã bắt đầu chùn tay.
Tại Việt Nam, ông tiết lộ vài startup đã đến gặp gỡ và chia sẻ rằng chỉ còn đủ ngân sách trả lương 1-2 tháng. Thậm chí một số doanh nghiêp trong mảng gia công phần mềm cũng đang rất "đói" khi các hợp đồng từ nước ngoài đang giảm sâu.
Ở chiều ngược lại, Shark Bình cho rằng đây lại là thời cơ cho các startup nền tảng "có lãi trên từng đơn hàng", nhất là khi những startup yếu kém buộc phải rời cuộc chơi.
Bên cạnh đó, ông nhắc các startup về nguyên lí 80-20: 80% doanh thu đến từ 20% khách hàng trung thành. Do đó việc giữ chân khách hàng cũ là vô cùng quan trọng. Một ví dụ được đặt ra là nếu khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ/sản phẩm của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không lưu giữ bất kì thông tin gì về khách đó thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn.
"Giai đoạn này rất khó để tìm kiếm một khách hàng mới. Chi phí để bán cho một khách hàng mới rất cao, đơn cử như giá quảng cáo trên Facebook, Google. Chính vì thế đa phần các doanh nghiệp tồn tại nhờ một lực lượng khách hàng trung thành", Shark Bình nhấn mạnh.