Một báo cáo do CB Insights thực hiện đã nghiên cứu và xếp hạng hơn 200 màn thất bại ê chề và tốn kém nhất lịch sử.
Theo CB Insights, startup thất bại "đau thương" nhất là LeSports, một công ty livestreaming nội dung thể thao do tập đoàn công nghệ Trung Quốc LeEco sở hữu. LeSports kêu gọi thành công 1,7 tỉ USD trong thời gian công ty hoạt động.
Dù vậy, sau khi thành lập LeSports vào năm 2014, LeEco bắt đầu ngập trong khó khăn vì thiếu hụt dòng tiền với những khoản nợ lớn trước đó dùng để thúc đẩy tăng trưởng.
Đến năm 2019, người sáng lập Jia Yueting nộp hồ sơ phá sản trong khi vẫn nợ 3,6 tỉ USD.
LeEco tiếp tục vận hành một dịch vụ streaming ở Trung Quốc dươi tên gọi Le.com. Dù vậy, hồi tháng 5/2000, sàn giao dịch Chứng khoán Thâm Quyền đã huỷ niêm yết LeEco sau khoản thua lỗ tới 1,6 tỉ USD trong năm 2019.
Dưới đây là 5 startup đáng chú ý khác cũng được nhắc đến trong báo cáo từ CB Insights.
Startup thiết bị xét nghiệm máu Theranos
Elizabeth Holmes bỏ học Đại học Stanford để sáng lập Theranos vào năm 2003. Thời điểm đó, Theranos hứa hẹn với thị trường về những thiết bị xét nghiệm máu tốc độ cao, giá thấp và cực kì chính xác. Ở thời điểm đỉnh cao, Theranos gọi thành công số vốn tới 500 triệu USD với mốc định giá 9 tỉ USD.
Dù vậy, Theranos dừng hoạt động vào tháng 9/2008, vài tháng sau khi Elizabeth Holmes, người sáng lập Theranos và Ramesh "Sunny" Balwani, Chủ tịch Theranos, bị Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ cáo buộc lừa đảo, làm giả doanh thu công ty cũng như các kết quả xét nghiệm máu.
Trước đó, Theranos đã kịp kêu gọi đầu tư từ nhiều cái tên có tiếng như Rupert Murdoch, Walgreens và BlueCross.
Công ty thiết bị theo dõi hoạt động thể dục Jawbone
Khi thị trường thiết bị đeo bắt đầu có dấu hiệu bão hoà, Jawbone vẫn nổi lên như một startup rất đáng chú ý cùng định giá 3,2 tỉ USD ở thời điểm năm 2014.
Thiết bị vòng đeo theo dõi hoạt động thể dục mang tên UP của Jawbone được kì vọng có thể cạnh tranh với Fitbit. Các nhà đầu tư như Sequoia Capital, Kleiner Perkins Caufield & Byers và Andreessen Horowitz đều tin rằng Jawbone sẽ là cái tên thống lĩnh mảng sản phẩm này. Ở thời điểm đó, thậm chí bà Marissa Mayer, cựu CEO Yahoo, còn gia nhập hội đồng quản trị Jawbone.
Dù nhận vốn tới 900 triệu USD, Jawbone chỉ có vỏn vẹn 3% thị phần thiết bị theo dõi hoạt động thể dục, thể thao vào năm 2015 do doanh số ì ạch. Jawbone bắt đầu thanh lí tài sản vào tháng 7/2017.
Website bán đồ vật nuôi Pets.com
Pets.com gọi thành công khoảng 110 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, bao gồm Amazon và Hummer Winblad Venture Partners, sau khi ra đời vào năm 1998. Pets.com hoạt động như một trang thương mại điện tử bán đồ cho thú nuôi.
Theo CNBC, Pets.com là một trong những "nạn nhân" đầu tiên khi "bong bóng dot-com" ngành Internet vỡ vào năm 2000.
Trước khi sụp đổ, Pets.com vẫn kịp thực hiện IPO và kêu gọi 82,5 triệu USD vào đầu năm 2000. Dù vậy, với những khoản lỗ khổng lồ và chi phí marketing cao ngất ngưởng, Pets.com dần tàn lụi và bắt đầu thanh lí tài sản vào tháng 11/2000.
Startup xe điện Better Place
Một doanh nhân người Israel có tên Shai Agassi thành lập Better Place vào năm 2007. Đây là một trong những startup xe điện mà nhiều người kì vọng có thể thành công như Tesla.
Better Place gọi vốn thành công 900 triệu USD với ý tưởng xây dựng các trạm đổi pin cho xe điện, nơi những chiếc xe Better Place sẽ thay các viên pin hỏng chỉ trong vài phút. Bằng cách này, xe Better Place sẽ có phạm vi hoạt động rộng hơn và giảm thiểu nỗi lo của các tài xế.
Dù vậy, chi phí xây dựng và phát triển hạ tầng lớn khiến ý tưởng không thể thành hiện thực. Better Place chỉ đưa thành công khoảng 1.000 xe điện ra thị trường trước khi nộp hồ sơ phá sản vào năm 2013.
Nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Solyndra
Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khen ngợi Solyndra, một công ty ra đời vào năm 2005, như một ví dụ điển hình cho sức sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Solyndra nhận khoản bảo lãnh tín dụng 535 triệu USD từ chính phủ cùng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD từ những nhà đầu tư như Redpoint Ventures hay US Venture Partners.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Solyndra lộ rõ điểm yếu khi giá linh kiện phát triển tấm pin năng lượng mặt trời (ví dụ như silicon) giảm vào năm 2011.
Chi phí sản xuất giảm giúp các đối thủ tung ra thị trường các thiết bị rẻ hơn, trong khi Solyndra (không dùng chất liệu silicon trong sản phẩm) mất dần khả năng cạnh tranh. Solyndra nộp hồ sơ phá sản vào tháng 9/2011.