Sử dụng máy bay tư nhân ở Việt Nam: Thủ tục phức tạp, chi phí 'nuôi' cũng không hề rẻ

Khi giới siêu giàu của Việt Nam đang ngày càng tăng, việc bỏ vài triệu USD mua máy bay sẽ không phải điều khó khăn đối với các đại gia hay doanh nhân. Tuy nhiên, để sử dụng máy bay tư nhân với mục đích phi thương mại ở Việt Nam, các thủ tục cấp phép hay chi phí bảo dưỡng máy bay là thách thức không nhỏ.

Sáng 10/4 vừa qua, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức đấu giá thành công máy bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925), do CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ủy quyền. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế và phí.

Máy bay ATR 72-500 MSN 925 là loại sản xuất năm 2010, có 68 ghế ngồi và đang được VALC cho Vietnam Airlines thuê khai thác. Đây là lần thứ 9 VALC đấu giá máy bay này kể từ năm 2016, theo Dân Trí.

Máy bay dòng ATR 72-500 MSN 925. (Ảnh: Jetphoto)

Danh tính và mục đích sử dụng của người mua không được tiết lộ. Nếu chủ nhân mới của ATR 72-500 MSN 925 là một trong các hãng hàng không đang tham gia vào thị trường vận tải hành khách, hoạt động cấp phép và khai thác tàu bay thì sẽ thực hiện theo đúng quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Đổi lại, trường hợp chủ nhân mới của tàu bay này là cá nhân hoặc doanh nghiệp/tổ chức muốn bay tư nhân, không vì mục đích thương mại thì thủ tục sẽ ra sao?

Có được phép sử dụng máy bay tư nhân ở Việt Nam?

Trao đổi với người viết, Luật sư Lương Huy Hà, Giám đốc công ty Luật TNHH LawKey cho biết, cá nhân hoặc tổ chức/doanh nghiệp tại Việt Nam được phép sở hữu và khai thác máy bay tư nhân (không vì mục đích thương mại) nếu đăng ký quyền sở hữu tàu bay theo quy định của Chính phủ. 

Tuy nhiên, do là ngành đặc thù nên quy định của ngành hàng không vốn nghiêm ngặt, đặc biệt trong vấn đề an toàn bay. Do đó, quá trình xin giấy phép để khai thác được cho là rất phức tạp.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật hàng không dân dụng Việt Nam quy định về các Giấy tờ, tài liệu mang theo tàu bay và theo điều 21 Nghị định 76/2007/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung, để khai thác máy bay tư nhân phi thương mại, các cá nhân/tổ chức phải đáp ứng nhiều loại điều kiện và giấy chứng nhận như: Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay, giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung…

"Việc xin mỗi loại giấy tờ như trên cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện và thủ tục, hồ sơ phức tạp. Cá nhân và tổ chức phải mất khá nhiều thời gian để đáp ứng và xin được", Luật sư Lương Huy Hà khẳng định.

Trên thực tế, vì là máy bay nhỏ nên ATR 72-500 thường được khai thác tại các chặng bay thuộc sân bay có đường băng nhỏ, nơi mà máy bay phản lực không thể hạ cánh như Côn Đảo, Điện Biên... Nếu được sử dụng nhằm mục đích phi thương mại, thì so sánh về thời gian hoàn thiện thủ tục hay địa điểm được phép cất/hạ cánh… sự tiện lợi của loại máy bay này được cho là không bằng các tàu bay dân dụng khác.

"Nuôi" máy bay tư nhân ở Việt Nam không dễ

Chia sẻ thêm về sức mua máy bay cá nhân tại Việt Nam những năm tới, Luật sư Lương Huy Hà cho hay, giới siêu giàu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 170%. Do đó, việc bỏ vài triệu USD mua máy bay không phải khó đối với nhiều đại gia, doanh nhân.

Tuy nhiên, chi phí "nuôi" máy bay cùng với những thủ tục bảo dưỡng, cấp phép khai thác chặt chẽ đã, đang và sẽ là thách thức không hề nhỏ. Đặc biệt với loại máy bay phản lực sẽ được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho từng chuyến bay, máy bay trực thăng có tầm bay thấp dưới đường hàng không thì phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, thủ tục vì vậy cũng sẽ phức tạp hơn.

Mặc dù việc sử dụng máy bay riêng tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến, nhưng tại nước ngoài, chuyện mua hoặc thuê bay tư nhân để tránh cảnh đông đúc trên chuyến bay thương mại là điều không quá hiếm. Nhu cầu này thường xuất hiện ở giới nhà giàu hoặc nhóm doanh nhân muốn đi công tác, du lịch hoặc đơn giản là muốn rút ngắn thời gian di chuyển và đảm bảo riêng tư. 

Điển hình như tại thị trấn Spruce Creek thuộc vùng đông bắc bang Florida, Mỹ, thay vì đi ô tô, các gia đình lại chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Họ xây đường băng riêng dẫn thẳng ra đường cao tốc được định vị bằng hệ thống GPS. Phần lớn người dân tại đây là phi công chuyên nghiệp, thường sử dụng thuật ngữ hàng không khi nói chuyện, theo Easy My Trip.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.