Đối với vận tải nội địa, kết thúc năm 2022, sản lượng hành khách nội địa qua cảng ACV đạt 87 triệu lượt, tăng 195% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 117% so với trước dịch, nhờ các đường bay nội địa đã phục hồi hoàn toàn.
Theo BSC, dịch bệnh đã được kiểm soát và hoạt động vận tải nội địa đã bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Sang năm 2023, BSC dự báo sản lượng hành khách nội địa đi ngang, đạt 92 triệu lượt, tăng 0,3% so với cùng kỳ do mức nền cao trong năm 2022.
Đối với vận tải quốc tế, kết thúc năm 2022, sản lượng hành khách quốc tế qua cảng ACV đạt 12 triệu lượt, tăng 2.300% so với cùng kỳ, tương đương 43% so với trước dịch.
Nguyên nhân chủ yếu nhờ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã mở cửa trở lạị. Tính tới hết quý IV/2022, ngoại trừ Nga do căng thẳng chính trị với Ukraine, Việt Nam đã mở lại đường bay thường lệ cũ tới các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng tích cực mở thêm các đường bay mới tới Ấn Độ, giúp tăng nguồn cầu mới. Cụ thể, trong năm 2022, Vietjet đã mở mới 7 - 9 đường bay, Vietnam Airlines mở mới 2 đường bay tới Ấn Độ. Mặt khác, các hãng Ấn Độ như SpiceJet, Indigo… cũng đẩy mạnh mở mới các tuyến thẳng. Điều này giúp cho sản lượng khách du lịch Ấn Độ tới Việt Nam đạt 137.000 lượt, phục hồi 80% so với trước dịch.
Sang năm 2023, BSC cho biết giữ quan điểm thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh do hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng trầm trọng trong 3 năm duy trì chính sách đóng cửa vì đại dịch. Trung Quốc đã chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 8/1.
Từ phía Việt Nam, các hãng hàng không cũng đã bắt đầu khai thác trở lại các đường bay thường lệ tới Trung Quốc. Từ ngày 9/12/2022, Vietnam Airlines mở lại đường bay từ Hà Nội, TP HCM – Thượng Hải, Quảng Châu (1-2 chuyến/tuần). Từ ngày 6/12/2022, Bamboo Airways mở thêm đường bay Hà Nội – Thiên Tân (1 chuyến/tuần).
Theo đó, BSC kỳ vọng các đường bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ quý I và quý II.
Bên cạnh đó, các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,... tiếp tục phục hồi nhờ đã mở cửa lại trong năm 2022. BSC kỳ vọng thị trường Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt (tăng 20% so với quý trước) trong năm 2023 nhờ đẩy mạnh mở các đường bay mới từ quý IV/2022 và quy mô thị trường Ấn Độ lớn, đông dân. BSC kỳ vọng Ấn Độ có thể sẽ thuộc top 5 thị trường hàng không lớn nhất của Việt Nam.
Qua đó, BSC dự báo sản lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 24 triệu lượt, tăng 99% so với cùng kỳ, tương đương 85% so với trước dịch.
Việc sản lượng hành khách phục hồi tích cực trong năm 2023 như nói trên được dự báo sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp nhóm dịch vụ hàng không như ACV.
Ở diễn biến khác, BSC cũng cho rằng, giá dầu duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh nhóm vận tải hàng không.
Kết thúc năm 2022, giá dầu Jet A1 dao động ở mức 140 USD/bbl, tăng khoảng 40% - 45% tính từ đầu năm 2022 đến hiện tại. Trong quý IV/2022, giá dầu Jet có xu hướng điều chỉnh giảm về mức 100 USD/bbl. Sang tháng 1/2023, giá dầu đã tăng trở lại do nhu cầu phục hồi khi Trung Quốc mở cửa.
Trong thời gian tới, BSC cho rằng giá dầu vẫn sẽ neo cao do nguồn cung dầu bị thắt chặt. Cho cả năm 2023, BSC dự báo giá dầu Jet A1 ở mức 135 USD/bbl. Do vậy, hoạt động kinh doanh nhóm vận tải hàng không được dự báo vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do không thể chuyển 100% chi phí xăng dầu sang giá vé các chuyến nội địa.