Theo xếp hạng tỉ phú USD giàu nhất hành tinh của Forbes vào đầu năm nay, Việt Nam chính thức có 5 tỉ phú được vinh danh với tổng tài sản trên 1 tỉ USD, gồm Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch THACO - Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh.
Tài sản của 5 tỉ phú USD Việt Nam biến động khá mạnh sau 4 tháng, trong đó một mình ông Phạm Nhật Vượng kiếm thêm đến 1,3 tỉ USD (Đồ họa: Lan Anh).
Gần nửa năm qua, khối tài sản của 5 tỉ phú này ít nhiều biến đổi, trong đó, người giàu nhất Việt Nam - Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, đã kiếm được thêm 1,3 tỉ USD chỉ trong vòng vài tháng.
Tháng 3/2019, tổng tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng theo cập nhật của Forbes là 6,6 tỉ USD. Đây là thời điểm Forbes chính thức công bố danh sách tỉ phú USD thế giới hàng năm. Với khối tài sản này, tỉ phú Phạm Nhật Vượng là người giàu thứ 239 trên thế giới.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng kiếm được thêm 1,3 tỉ USD chỉ trong 4 tháng của năm 2019. (Ảnh: Forbes Việt Nam).
Cập nhật tài sản thực đến hôm nay, ngày 26/7, Forbes cho biết khối tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng đáng kể, lên con số 7,9 tỉ USD. Tức chỉ trong vòng 4 tháng, người giàu nhất Việt Nam đã "bỏ túi" thêm khoảng 1,3 tỉ USD. Đây là con số không hề nhỏ, bởi mức tăng này cũng bằng tổng tài sản của một số tỉ phú USD khác trong bảng xếp hạng của Forbes.
Thực tế, khối tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tăng đều qua từng năm. Kể từ lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes vào năm 2013, với tổng tài sản 1,5 tỉ USD, đến nay đã là năm thứ 7 liên tiếp ông chủ Vingroup được vinh danh trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới.
Nhưng từ đầu từ năm 2017, tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng mới tăng mạnh. Cụ thể, năm này, ông sở hữu 2,4 tỉ USD, chỉ 1 năm sau, khối tài sản của ông chủ Vingroup tăng lên thành 4,3 tỉ USD, tức tăng 1,9 tỉ USD/năm.
Đến đầu năm 2019, tổng tài sản người giàu nhất Việt Nam tăng thêm 2,3 tỉ USD, đạt mức 6,6 tỉ USD trong danh sách xếp hạng của Forbes. Và chỉ 4 tháng sau, thống kê đến ngày 26/7, tài sản của ông Vượng lại tiếp tục tăng 1,3 tỉ USD, lên mức 7,9 tỉ USD.
Tổng tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh từ năm 2017. (Nguồn: Forbes - Đồ hoạ: Phúc Minh).
Khối tài sản tăng mạnh của tỉ phú Phạm Nhật Vượng gắn liền với một loạt dự án, lĩnh vực mới hàng nghìn tỉ đồng của Vingroup thực hiện năm 2018 đến nay. Kể từ sau ra mắt ô tô VinFast ở Paris Motor Show cuối năm 2018, doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng liên tục công bố một loạt lĩnh vực, dự án mới từ sản xuất ô tô, xe máy, công nghệ đến các dự án bất động sản lớn, chuỗi bán lẻ, công nghệ VinTech...
Vingroup cũng vừa công bố tham gia lĩnh vực hàng không, mà đầu tiên là kí kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kĩ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không với Tập đoàn CAE của Canada.
Cổ phiếu VIC đã tăng nhiều phiên liên tiếp, đạt mức kỉ lục 123.200 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 25/7, đưa vốn hóa của Vingroup hơn 408.000 tỉ đồng (tương đương 17,6 tỉ USD), chiếm khoảng hơn 11% vốn hóa trên sàn HOSE.
Trong khi đó, vốn hóa của Vinhomes (VHM), cũng đạt gần 290.000 tỉ đồng (khoảng 12,4 tỉ USD).
Tổng cộng vốn hóa của 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE đã đạt 780.000 tỉ đồng (tương đương 33,5 tỉ USD), chiếm hơn 23% vốn hóa hóa sàn HOSE.
Khối tài sản trên sàn chứng khoán Việt của ông chủ Phạm Nhật Vượng theo đó cũng tăng phi mã. Ông Vượng đang sở hữu 1,865 tỉ cổ phiếu VIC, có giá trị khoảng 229.791 tỉ đồng, tương đương 9,926 tỉ USD.
Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, người đứng thứ 2 sau tỉ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách tỉ phú USD của Việt Nam, cũng có tổng tài sản tăng lên sau 4 tháng theo thống kê của Forbes.
Tính đến ngày 26/7, tổng tài sản của nữ tỉ phú tự thân này đạt 2,5 tỉ USD, tăng 0,3 tỉ USD so với thời điểm thống kê đầu năm nay, mức 2,3 tỉ USD.
Lần đầu tiên bà Thảo được Forbes xếp hạng là năm 2017, với tổng tài sản 1,2 tỉ USD, đến năm 2018, con số này tăng lên thành 3,1 tỉ USD nhưng sau đó lại có phần giảm sút.
Năm 2019, tổng tài sản của bà Thảo theo thống kê của Forbes đạt 2,3 tỉ USD. CEO hãng hàng không VietJet Air đứng thứ 1.008 trong bảng xếp hạng người giàu nhất hành tinh và là năm thứ ba góp mặt trong danh sách này.
Trên sàn chứng khoán Việt, thông kê đến 25/7, với việc sở hữu cổ phiếu HDB của HDBank và VJC của Vietjet Ai, tổng giá trị tài sản hiện có thông qua HDB và VJC là 27.834 tỉ đồng. So với số tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ, tài sản của bà Thảo thấp hơn khoảng 8 lần.
Trong khi đó, tổng tài sản của ông chủ THACO Trần Bá Dương lại không thay đổi kể từ lần thống kê vào đầu năm nay, vẫn duy trì ở con số 1,7 tỉ USD và đứng thứ 1.348 người giàu nhất hành tinh.
Chủ tịch HĐQT THACO được Forbes xếp hạng từ năm 2018, với tổng tài sản 1,8 tỉ USD, đến năm 2019, khối tài sản đã giảm nhẹ đi 0,1 tỉ USD.
Từ đầu năm đến nay, ông Trần Bá Dương và các công ty liên quan liên tiếp chi tiền để tăng sở hữu tại doanh nghiệp của bầu Đức.
Hai tỉ phú Việt mới nhất được Forbes vinh danh vào đầu năm nay là Chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh cũng có sự biến động nhẹ về tài sản sau 4 tháng.
Trong khi tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bảo toàn được nguyên số tài sản thì người bạn Hồ Hùng Anh mất 0,1 tỉ USD. (Ảnh: vietnamfinance)
Theo đó, tổng tài sản tỉ phú Hồ Hùng Anh giảm 0,1 tỉ USD so với xếp hạng đầu năm nay, xuống còn 1,6 tỉ USD. Riêng Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang vẫn giữ nguyên con số 1,3 tỉ USD.
Ngoài ra, ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, sau lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes năm 2018 với tổng tài sản 1,3 tỉ USD, đến nay đã không còn được Forbes cập nhật. Trước đó, tài sản của ông chủ Hòa Phát thay đổi liên tục và lần cuối cùng được Forbes cập nhật là cuối năm 2018.