Hành trình vượt qua tỉ phú Bill Gates giành ngôi người giàu thứ 2 thế giới của ông chủ Louis Vuiton

Học kĩ thuật nhưng có máu kinh doanh, thâu tóm được tập đoàn hàng xa xỉ LVMH khi mới 41 tuổi, thạo việc “sưu tầm” các công ty, là những nét nổi bật phác họa lên chân dung ông chủ Louiscủa tỉ phú Bernard Arnault.

Ông chủ Louis Vuiton đã vượt tỉ phú Bill Gates thành người giàu thứ 2 thế giới

Hiện tại, tài sản ròng của Bernard Arnault lên đến 107,6 tỉ USD, vượt hơn 200 triệu USD so với Bill Gates. Theo Bloomberg, trong suốt 7 năm qua, nhà đồng sáng lập Microsoft chưa bao giờ bị đẩy ra khỏi vị trí á quân trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh.

1400x-1

Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Bernard Arnault liên tiếp lập nhiều kỉ lục về độ giàu có. (Ảnh: Bloomberg).

Bernard Arnault chính là ông chủ, kiêm CEO của Tập đoàn LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE. Đây là tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất sản phẩm quần áo, phụ kiện xa xỉ cho giới siêu giàu. Ông kiểm soát khoảng một nửa cổ phần LVMH và cũng sở hữu 97% cổ phần của Christian Dior.

Trước đó, vào tháng 3, Arnault đã soán ngôi của ông trùm chứng khoán Warren Buffett, để vươn lên giữ vị trí người giàu thứ 3 thế giới với 100,4 tỉ USD. Vào tháng 4/2018, ông đã trở thành người giàu nhất trong làng thời trang, vượt qua danh hiệu này của Amancio Ortega, nhà sáng lập Zara.

Tính đến giữa tháng 6/2019, tài sản của Bernard Arnault đã bằng 3% nền kinh tế nước Pháp. Vị tỉ phú này đã thu về hơn 39 tỉ USD vào năm 2019, mức tăng nhiều nhất trong bảng xếp hạng trên.

Hồi tháng 4, Arnault và gia đình đã cam kết ủng hộ hơn 226 triệu đô la để xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Số tiền này được đưa ra sau khi tập đoàn thời trang Kering của tỉ phú Francois Pinault, đối thủ của ông, đề nghị quyên góp 100 triệu euro để giúp "xây dựng lại hoàn toàn Nhà thờ Đức Bà".

Tỉ phú Bernard Arnault - ông hoàng "sưu tầm" công ty

Arnault xuất thân từ một gia đình thương nhân tại thị trấn Roubaix, phía Bắc nước Pháp. Ông theo học ngành kĩ thuật tại Ecole Polytechnique, một trường đại học danh tiếng tại Paris. Đây là lò đào tạo ra 3 cựu Tổng thống Pháp và 3 nhà khoa học đạt giải Nobel. 

Học về kĩ thuật nhưng có "máu" kinh doanh, sau khi tốt nghiệp, Arnault gia nhập công ti của cha mình vào năm 1971.

Screen+Shot+2014-03-30+at+11

Dior "ăn nên làm ra" sau khi về tay ông chủ hiểu rõ giá trị của thương hiệu này. (Ảnh: Square Space).

Năm 1976, ông thuyết phục cha đưa ra quyết định táo bạo rằng sẽ thanh lí bộ phận xây dựng của công ty với 40 triệu franc Pháp, và thay đổi định hướng sang bất động sản. Sử dụng tên Férinel, công ty mới mới "lên hương", trở thành đối thủ nặng kí trong lĩnh vực nhà nghỉ lúc bấy giờ.

Đến năm 1979, ông kế nhiệm cha mình là chủ tịch của công ty.

Arnault gia nhập thị trường hàng xa xỉ năm 1984. Khi ấy, ông đã có quyết định đầy mạo hiểm, đầu tư 15 triệu USD và kêu gọi thêm 80 triệu USD để mua lại Boussac Sain-Freres, một hãng thời trang lận đận tại Pháp lúc bấy giờ. Thứ ông nhắm đến là Dior và Le Bon Marche.Bernard Arnault hiểu rằng nhãn hiệu Christian Dior rất được coi trọng trên thế giới, và bởi thế ông quyết định sử dụng lợi thế đó để chuyển sang kinh doanh các mặt hàng cao cấp. Thương vụ hoàn tất, các nhà máy dệt và các loại tài sản khác được bán đi, doanh nhân này chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche.

Từ năm 1985, Arnault trở thành CEO của Dior, và bắt đầu gầy dựng nên đế chế thời trang xa xỉ huy hoàng. Năm 1987, ông được Chủ tịch Henri Racamier của LVMH mời đầu tư vào LVMH Group mới được thành lập từ Louis Vuitton và Moet Hennessy. Ông dùng 400 triệu USD thu được từ việc bán các tài sản của Boussac, cùng với số vốn vay từ Lazard để thực hiện thương vụ thâu tóm LVMH.

Lợi dụng lúc nội bộ lãnh đạo LVMH tranh giành quyền lực, Arnault đứng về phía Henri Racamier, Chủ tịch Louis Vuitton và mượn tay ông này loại bỏ Alain Chevalier, người đứng đầu Moet-Hennessy.

 Quyết liệt hơn, ông thông qua hàng loạt vụ tranh chấp tại tòa án để sửa đổi luật pháp địa phương, nhằm mở đường thâu tóm LVMH. Arnault thâu tóm thành công LVMH vào năm 1990. Bấy giờ, Arnault sở hữu 43,5% của LVMH, 35% quyền biểu quyết và chính thức trở thành Chủ tịch kiêm CEO của LVMH.

gap-go-Bernard-Arnault-vi-ty-phu-vua-soan-ngoi-Bill-Gates-trong-bang-xep-hang-nhung-nguoi-giau-nhat-hanh-tinh-2

Bernard Arnault (phải) cùng Chủ tịch Henri Racamier của LVMH trong một cuộc đàm phán tại Paris năm 1988. (Ảnh: Bloomberg).

Tham vọng của Arnault là đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, ngang tầm với hai đại thụ trong lĩnh vực là Richemont (Thụy Sĩ) và Kering (Pháp). Chỉ trong 11 năm sau khi vị tỉ phú này tiếp quản, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng khoảng 500%.

Đầy phong độ khi lèo lái Tập đoàn LVMH

Arnault được người trong nghề mệnh danh là ông hoàng của thế giới thời trang, khi tự tay mình tạo nên tên tuổi của hơn 70 thương hiệu lừng danh khắp năm châu.

Những sản phẩm giúp định nghĩa lại sự xa xỉ như đồng hồ TAG Heuer, dòng rượu sâm panh Dom Perignon Champagne, nhãn hàng thời trang như Christian Dior hay Louis Vuitton đều do một tay ông nâng đỡ.Trong bộ sưu tập công ty, "tác phẩm để đời" của ông chính là quá trình thống nhất LVMH. Đây được xem là một trong những vụ thâu tóm cam go và quyết liệt nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Pháp, khiến cho tên tuổi Arnault được nhắc nhiều như "nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh", và sau đó là "sự nể phục dành cho tính quyết đoán của ông".

Dù mua công ty như "mua mớ rau ngoài chợ", nhưng ông không bao giờ để các thương hiệu bị hòa tan vào hoạt động theo khuôn khổ chung của tập đoàn. Dù bị sát nhập, các thương hiệu phải luôn theo văn hoá và bản sắc lịch sử riêng. Vai trò của tập toàn là hỗ trợ những lợi ích chung cho các thương hiệu. Cách làm này giúp cho sức sống của các thương hiệu thuộc LVMH bền vững và luôn giữ được "cái tôi" trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

 Những năm gần đây, LVMH vẫn tiếp tục dang rộng vòng tay với nhiều thương hiệu trong cả lĩnh vực đồng hồ xa xỉ như: Zenith, Tag Heuer và Hublot.

LVMH

Tập đoàn LVMH ngay càng "vươn vòi" ra nhiều lĩnh vực. (Ảnh: Bloomberg).

Đến nay, đế chế LVMH đã trở thành tập đoàn số 1 thế giới về đồ xa xỉ, với khoảng 70 thương hiệu và 3.900 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. Cách lèo lái đầy phong độ của vị tỉ phú này trong việc điều hành LVMH đã giúp cổ phiếu tập đoàn tăng 2,9% lên mức kỉ lục 368,8 euro/cổ phiếu trong năm nay.

Ngay cả khi căng thẳng thương mại gia tăng, nghệ thuật duy trì sự cuồng tín của người tiêu dùng Trung Quốc đối với túi xách Louis Vuitton và rượu Hennessy đã mang lại doanh thu khủng cho LVMH.

Ngoài thích "sưu tầm" công ty, Arnault còn là một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng, khi sở hữu một loạt các bộ sưu tập tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst, Maurizio Cattelan, Andy Warhol và Pablo Picasso.

 Nhiều chuyên gia ví von rằng ông duy trì sở thích sưu tầm tranh nổi tiếng bằng cách khiến các sản phẩm của tập đoàn LVMH ngày càng được nhiều người sưu tầm hơn là sử dụng.