Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng quyết bán ô tô điện sang Mỹ?

Khi các ông lớn như Hyundai, Nissan, BMW và Tesla đang đổ hàng tỉ USD vào cuộc đua xe điện, thì VinFast chắc chắn cũng sẽ không thể bỏ qua cuộc chơi này.

Trong tuần qua, cộng đồng ô tô Việt xôn xao khi hình ảnh chiếc xe mới của VinFast đang lăn bánh trên đường thử nghiệm, được rò rỉ trên một diễn đàn mạng. 

Rất nhiều ý kiến nhận định rằng, đây có thể là chiếc ô tô điện đầu tiên do VinFast sản xuất.

Tham vọng sản xuất xe điện và xuất sang thị trường Mỹ của vị tỉ phú Phạm Nhật Vượng, thì không ít người đã biết từ lâu, đặc biệt là sau buổi phỏng vấn với tờ Bloomberg vào cuối năm 2019.

Thế nhưng, cái làm người ta ngạc nhiên là tại sao một hãng xe non trẻ, ra mắt chưa đầy 2 năm lại nóng vội muốn sản xuất xe điện đến thế?

Và tại sao chỉ chưa đầy một năm kể từ khi ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ tham vọng, một chiếc ô tô điện bằng xương bằng thịt đã được trình làng, bất chấp những kinh nghiệm non nớt, nếu so với các ông lớn trong ngành như Hyundai hay Ford?

Điều gì đã thôi thúc VinFast buộc phải nhanh chóng sản xuất và kinh doanh xe điện đến vậy?

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 1.

Chiếc xe VinFast trên đường chạy thử được cho là mẫu ô tô điện đầu tiên của hãng xe Việt. (Ảnh: Reuters).

Xe điện - tương lai của ngành công nghiệp ô tô

Có một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong thế giới ô tô: sự chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng mức năng lượng thấp và không phát thải. Tại triển lãm Los Angeles Auto Show diễn ra tại Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, khách tham dự không khỏi ngạc nhiên trước những gì mà ô tô điện mang lại cho người tiêu dùng, môi trường và nền kinh tế.

Tại thị trường xe hơi năng động nhất thế giới là Mỹ, đến nay đã có hơn 40 dòng xe hybrid và xe điện góp mặt, gắn liền với những thương hiệu tên tuổi như Nissan, Hyundai và Toyota. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ phát triển lên 130 mẫu xe điện, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Theo Thời báo Phố Wall, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã cam kết sẽ đầu tư 225 tỉ USD trong năm nay để nghiên cứu phát triển các mẫu ô tô điện.

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 2.

Top 10 nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới trong năm 2018. (Đồ hoạ: Alex Chu).

Trong đó, Volkswagen đang dẫn đầu cuộc đua với 44 tỉ USD, tham vọng kết thúc việc phát triển các mẫu xe xăng, dầu trước 2026 và 40% số xe bán ra là xe điện trước 2030. Ford cũng đầu tư hơn 11 tỉ USD vào lĩnh vực này.

Ông lớn General thì lại chọn cách đi khác đó là hợp tác với hãng công nghệ LG (Hàn Quốc) thành lập liên minh sản xuất pin điện bằng thỏa thuận trị giá 2,3 tỉ USD.

Dòng tiền đổ vào lĩnh vực xe điện ngày càng lớn, tỉ lệ thuận với những dự báo tích cực về triển vọng tiêu thụ trên toàn cầu.

Theo những dữ liệu mới nhất từ GlobalData, đã có khoảng 1,7 triệu xe điện được bán ra trên toàn cầu trong 10 tháng đầu năm 2019. Dự báo, đến năm 2030, mảng ô tô điện sẽ chiếm khoảng 11,7% quy mô thị trường, tương đương mức tiêu thụ 12,8 triệu xe.

Con số này có thể tăng lên mốc 15% trong năm 2035.

Một thị trường béo bở giàu tiềm năng mà không một hãng xe nào có thể bỏ qua, đặc biệt trong bối cảnh các dòng xe tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch đang đi đến buổi hoàng hôn của lịch sử.

Dẫn nghiên cứu từ một nhà phân tích, tờ NS Energy nhận xét: "Đến năm 2035, trong 6 chiếc xe hơi và xe tải được chế tạo trên toàn cầu, chỉ một trong số đó là xe chạy xăng".

Điều đó cũng có nghĩa rằng xe điện sẽ thống trị thế giới trong tương lai và hiện tại, cuộc chơi mới chỉ vừa bắt đầu.

VinFast: Đúng người, đúng thời điểm

Hãng xe thương hiệu Việt ra đời trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô sử dụng nhiên liệu hoá thạch trên thế giới đã đi qua đỉnh, đạt đến độ bão hoà, và đang dần thoái trào với hàng loạt các thương vụ thâu tóm.

Ở phía ngược lại, mảng xe điện, xe tự lái mới chỉ đang ở những bước đi chập chững đầu tiên. Thị trường xe điện ngoài cái tên quá nổi là Tesla, thì những gã khổng lồ một thời như Volkswagen, Toyota, Ford,… hoàn toàn vắng bóng.

Do đó, thật tệ nếu lính mới VinFast vẫn cố chen chân vào chiếc áo đã chật ních kia, để rồi nhận ra không thể cạnh tranh được với các ông lớn lắm tiền nhiều của, công nghệ, kinh nghiệm đầy mình.

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 3.

Hãng xe non trẻ VinFast ra đời trong bối cảnh thị trường ô tô thế giới đã đạt đến điểm bão hoà và bắt đầu thoái trào. (Ảnh: VIC).

Hãng xe huyền thoại Đức BMW phải mất 12 năm mới cho ra đời chiếc xe đầu tiên do chính mình chế tạo (1917 - 1929) và phải mất thêm gần 50 năm để đạt tới đỉnh cao bằng việc cho ra đời dòng xe 3 Series ( E21) vào năm 1975.

Tuy nhiên trong ngành ô tô thế giới, quá trình đi tìm chỗ đứng của BMW chưa phải là khoảng thời gian quá dài. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới là Toyota thậm chí đã phải mất 77 năm kể từ khi chiếc xe hơi đầu tiên ra đời - năm 1935 để có thể vươn tới con số 10 triệu xe sản xuất mỗi năm trong 2012.

Tất nhiên bối cảnh hình thành và phát triển của các hãng xe là không giống nhau. Do đó, chặng đường đi tới thành công, khẳng định mình cũng khác nhau.

Thế giới ngày nay đã phẳng hơn bao giờ hết. Thông thường để sản xuất ra một mẫu ô tô mới phải mất khoảng thời gian từ 3-5 năm. Nhưng với những tiến bộ khoa học công nghệ có sẵn đã giúp hãng xe chân ướt chân ráo như VinFast chế tạo và sản xuất thành công mẫu xe đầu tiên của mình chỉ sau vỏn vẹn đúng 22 tháng.

Một khoảng thời gian được coi là vô tiền khoáng hậu trong làng xe hơi thế giới. Tuy nhiên, đó là các mẫu xe chạy động cơ đốt trong với những nền tảng công nghệ sẵn có, đã phát triển đạt tới đỉnh cao.

Xe điện lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Năm 2003, cả thế giới nhìn hãng xe điện non trẻ Tesla bằng một ánh mắt đầy nghi hoặc. Trong suy nghĩ của nhiều người, xe điện là một thứ gì đó quá viễn tưởng và không thực tế.

Chỉ một năm sau đó, Tesla cho ra đời nguyên mẫu xe điện đầu tiên, chiếc Roadster hai chỗ ngồi, sử dụng động cơ điện xoay chiều trực tiếp từ thiết kế năm 1882 của Nikola Tesla. Tuy nhiên, mẫu xe này chưa thể thương mại hoá.

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 4.

Tesla phải mất 16 năm mò mẫm tìm đường tới thành công. (Ảnh: Reuters).

 Đến năm 2008, tức phải 4 năm sau đó, chiếc Tesla Roadster - mẫu xe thể thao thuần chạy điện đầu tiên, mới chính thức được trình làng. Từ năm 2008 đến tháng 3/2012, Tesla đã bán được 2.250 chiếc Roadster ở 31 quốc gia.

Phải mất 4 năm tiếp theo, Tesla mới lại cho ra mắt mẫu ô tô điện thứ 2, mang tên Model S. Và mất thêm 4 năm nữa thế hệ xe điện thứ 3, chiếc Model X mới được ra mắt với nhiều cải tiến và hoàn chỉnh hơn về mặt công nghệ.

Năm 2019, chiếc Tesla Model 3 với giá 35.000 USD sau rất nhiều mong đợi đã chính thức được ra mắt, hoàn thiện đầy đủ từ công nghệ, thiết kế đến giá thành. Đây được xem là dòng xe mang tính cách mạng trong thế giới xe, đưa ngành công nghiệp xe hơi bước sang thời kì mới - kỉ nguyên của điện khí hoá.

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 5.

Chủ tịch hãng xe Ford bên chiếc xe điện đầu tiên của hãng. (Ảnh: Ford).

Như vậy, có thể thấy sau 16 năm kể từ khi thành lập, Tesla mới đạt đủ độ chín trong lĩnh vực ô tô điện. Mặc dù khoảng thời gian đã được rút ngắn so với chặng đường thành công của BMW hay Toyota, nhưng dành ra gần 2 thập kỉ để nghiên cứu, chế tạo vẫn là quá dài.

Nếu nhìn vào quá trình phát triển của các ông lớn, việc VinFast ngay lập tức lên kế hoạch sản xuất xe điện chỉ chưa đầy một năm thành lập là điều dễ hiểu.

Dự kiến đến năm 2035, tức 15 năm nữa xe điện sẽ thống trị thị trường ô tô thế giới. Quyết định của VinFast cho thấy một tầm nhìn chiến lược dài hơi và nghiêm túc của thuyền trưởng Phạm Nhật Vượng.

Cơ hội và thách thức cho VinFast trong năm 2021

Theo một báo cáo mới đây của Cairn Energy Research Advisors, một công ty nghiên cứu trong lĩnh vực pin và EV, dự đoán doanh số bán xe điện sẽ tăng mạnh trong năm 2021, khi các quốc gia trên thế giới thúc đẩy chương trình khuyến khích người dân mua xe điện, giảm phát thải khí carbon.

Cairn ước tính doanh số xe điện toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 36%, và lần đầu tiên cán mốc 3 triệu xe bán ra.

Sam Jaffe, Giám đốc điều hành của Cairn Energy Research Advisors cho biết: "Nhu cầu xe điện đang bị dồn nén. Chúng tôi nhận thấy sự kết hợp các yếu tố khiến 2021 trở thành một năm rất tốt để kinh doanh xe điện".

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 6.

Doanh số tiêu thụ xe điện thế giới qua các năm. (Đồ hoạ: Alex Chu).

Jaffe cho rằng hai yếu tố lớn nhất sẽ châm ngòi cho nhu cầu về xe điện là thị trường châu Âu và Trung Quốc.

Theo Sanford C. Bernstein, năm ngoái Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với hơn 1 triệu ô tô điện được sản xuất tại quốc gia này.

Trong khi đó, Cairn Energy Research Advisors dự đoán tăng trưởng lớn nhất trong doanh số xe điện năm tới sẽ dịch chuyển sang châu Âu. Chủ yếu là do các Chính phủ trong Liên minh châu Âu cam kết giảm lượng khí thải carbon.

Cam kết đó đang thúc đẩy các quốc gia như Pháp đưa ra ưu đãi mới để thuyết phục người dân mua xe điện. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ tham vọng muốn Pháp trở thành nhà sản xuất xe hàng đầu ở châu Âu.

Jaffe nói rằng một làn sóng sản xuất xe điện đến từ châu Âu sẽ thúc đẩy doanh số lớn hơn.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà phân tích đưa ra những dự báo lạc quan về doanh số xe điện tăng mạnh. Vào tháng 10/2018, JP Morgan ước tính xe điện sẽ chiếm khoảng 4% tổng số xe được bán trên thế giới vào năm 2020.

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 7.

Top 5 mẫu xe điện bán chạy nhất trên toàn cầu trong 10 tháng đầu năm 2019. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

Trong khi đó, tại Mỹ - thị trường đầu tiên VinFast muốn bán sản phẩm xe điện của mình, dự báo trong năm 2021 cũng sẽ bật tăng mạnh, khi nhiều mẫu xe mới được ra mắt.

Rào cản lớn nhất với VinFast hay bất kì hãng xe điện nào khác khi triển khai kinh doanh xe điện tại Mỹ có lẽ chỉ đến từ các trạm đổi pin.

Theo một khảo sát gần đây của AAA, 63% người Mỹ cho biết "không có chỗ để sạc" là lí do họ chưa mua xe điện.

Hiện tại Mỹ có hơn 63.000 trạm sạc công cộng, nhưng 1/3 trong số đó lại tập trung ở California. Ước tính cần thêm hàng trăm nghìn trạm sạc, đổi pin như thế để phủ sóng xe điện tại nước Mỹ. Các cơ sở hạ tầng đang được xây dựng nhanh chóng. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã cam kết cung cấp nhiều trạm hơn.

Chính quyền các tiểu bang cũng đang tận dụng các nguồn lực của mình để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp nhiên liệu cần thiết cho xe điện.

Tại sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng bằng mọi giá phải bán ô tô điện sang Mỹ? - Ảnh 8.

VinFast - hãng xe Việt đang mơ giấc mơ mà ngay đến cả những tên tuổi lớn như Toyota hay Hyundai trong những ngày đầu khởi nghiệp cũng chẳng dám nghĩ tới. (Ảnh: Pinterest).

Các hãng xe đã nhìn thấy tương lai và tương lai chính là ô tô điện.

VinFast - hãng xe đầu tiên của Việt Nam đang mơ về giấc mơ đó. Giấc mơ về những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam lăn bánh trên đường phố Manhattan xa hoa của New York, hay trên cây cầu Golden Gate trứ danh của SanFrancisco.

Giấc mơ mà kể cả những tên tuổi lớn như Toyota hay Hyundai trong những ngày đầu khởi nghiệp cũng chẳng dám nghĩ tới.

Đường đi còn dài. "Giấc mơ Mỹ" của vị tỉ phú người Việt có thể vẫn còn nhiều khó khăn. 

Nhưng với slogan "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam" đã đi cùng VinFast trong suốt quá trình hình thành của mình, và lời hứa đầu tư 2 tỉ USD của ông chủ Phạm Nhật Vượng, tin rằng giấc mơ đó không phải là quá xa vời.