Tương tự chuỗi siêu thị Pháp Auchan, nhiều đại gia bán lẻ khắp thế giới cũng nhận định Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn để đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi Auchan phải nhanh chóng rút lui vì kinh doanh thua lỗ thì các ông lớn khác cũng kinh doanh không dễ dàng, thậm chí phải chuyển cả mục tiêu kinh doanh.
Giữa năm 2017, thương hiệu bán lẻ đến từ Mỹ 7-Eleven bỗng trở thành một hiện tượng khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Cửa hàng tiện lợi đầu tiên của đại gia này nằm tại trung tâm quận 1, TP HCM.
Giữa năm 2017, 7-Eleven bỗng trở thành một hiện tượng khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Khách chen nhau xếp hàng chờ mua được sản phẩm ngày cửa hàng đầu tiên mở tại TP HCM (Ảnh: Zing).
Trong ngày đầu tiên đón khách, hàng trăm người đã đứng xếp hàng, đợi cả giờ đồng hồ rồi chen chúc nhau trong không gian chỉ vài chục m2 của 7-Eleven để mua hàng hoá, thực phẩm. Thời điểm đó, nhiều người cho biết họ muốn tận mắt chứng kiến thương hiệu bán lẻ đến từ Mỹ có gì đặc biệt, và những sản phẩm của nó vì sao lại có sức hút đặc biệt với thế giới.
Tâm lí tò mò này hoàn toàn dễ hiểu, bởi thương hiệu 7-Eleven kể từ khi thành lập, đã nhanh chóng "nổi như cồn". Không chỉ phát triển tại nước Mỹ, chuỗi còn nhanh chóng nhận được sự đón nhận của khách hàng tại nhiều quốc gia khác. 7-Eleven đã có mặt tại 19 nước, với hơn 62.000 cửa hàng tiện lợi.
Với tốc độ phát triển như thế, nhìn nhận thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ là một "miếng bánh" hấp dẫn trong tương lai khi không có quá nhiều đối thủ, 7-Eleven đã quyết định tấn công.
Ở thời điểm vừa có cửa hàng đầu tiên, đại gia bán lẻ này tuyên bố hùng hồn đến năm 2020, sẽ cán mốc 100 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2027, 7-Eleven sẽ phủ sóng khắp cả nước, với số điểm kinh doanh lên đến 1.000 cửa hàng.
Như vậy theo tính toán, cứ mỗi 3 ngày sẽ có cửa hàng mang thương 7-Eleven ra đời.
Trái với tuyên bố mở 1.000 cửa hàng, hiện 7-Eleven chỉ có 21 điểm kinh doanh tại TP HCM sau 2 năm gia nhập thị trường. Các cửa hàng luôn vắng vẻ. (Ảnh: Phúc Huy).
Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố hùng hồn về mở rộng chuỗi thần tốc, đến nay, 7-Eleven chỉ có tổng cộng 21 điểm kinh doanh, tức chỉ mới đạt 20% chỉ tiêu 100 cửa hàng trong 3 năm hoạt động đầu tiên.
Cũng như 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc dù ra mắt trễ hơn nửa năm nhưng cũng gây sốt, và trở thành một hiện tượng ngày đặt chân vào Việt Nam.
Theo mô tuýp được háo hức chờ đời, rồng rắn xếp hàng để vào mua hàng hoá, thực phẩm tại chuỗi bán lẻ hàng đầu xứ kim chi, GS25 xác định khách hàng tiềm năng của chuỗi cửa hàng tiện lợi này là giới trẻ, khi văn hoá Hàn Quốc được du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Ở thời điểm có mặt, GS25 còn tuyên bố "dữ dằn" hơn 7-Eleven. "Ông lớn" Hàn Quốc muốn có 2.500 cửa hàng tiện lợi sau 10 năm tấn công thị trường Việt Nam.
GS25 của Hàn Quốc từng tuyên bố hùng hồn có 2.500 cửa hàng tại Việt Nam, nhưng đang kinh doanh èo uột sau gần 2 năm ra mắt. (Ảnh: Phúc Huy).
Tuy nhiên, sau gần 2 năm có mặt, số lượng điểm kinh doanh của GS25 đến thời điểm này cũng vỏn vẹn với 32 cửa hàng.
Đáng chú ý, cả GS25 và 7-Eleven đều chọn nhiều "khu nhà giàu" ở TP HCM như các quận 1, 2, 3, 7, Bình Thạnh để đặt cửa hàng tiện lợi, và chưa mở rộng ra bất kì tỉnh thành nào khác, ngay cả đô thị hàng đầu cả nước là thủ đô Hà Nội.
Ngoài việc chưa thể đạt mục tiêu về độ phủ, cả 7-Eleven và GS25 dường như đang chật vật, loay hoay cho việc tìm hướng đi cho riêng mình. Dù tuyên bố phải có hướng đi riêng so với hàng loạt tên tuổi cửa hàng tiện lợi khác, nhưng thực tế các mặt hàng, sản phẩm mà cả hai "ông lớn" này đang kinh doanh vẫn không có gì khác biệt.
Tại cửa hàng 7-Eleven nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), đây là một trong những cửa hàng đầu tiên của đại gia bán lẻ đến từ Mỹ, với không gian hẹp của khu "đất vàng" nằm giữa trung tâm thành phố nên số kệ hàng của điểm kinh doanh này rất khiêm tốn.
Ấn tượng duy nhất của 7-Eleven hiện nay là quầy thức ăn chế biến sẵn rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên điểm trừ lớn nhất là giá thành còn đắt đỏ so với bên ngoài. (Ảnh: Phúc Huy).
Về sản phẩm, các mặt hàng của điểm kinh doanh này không quá khác biệt so với hàng loạt đơn vị cửa hàng tiện lợi khác, thậm chí, với không gian quá nhỏ, số lượng mặt hàng còn nghèo nàn hơn.
Cả hệ thống 7-Eleven nói chung là phục vụ các loại thức ăn chế biến sẵn.
CEO 7-Eleven Việt Nam cho biết họ mong muốn tạo sự khác biệt so với các hệ thống bán lẻ khác và chọn thực phẩm tươi làm điểm nhấn cho mảng kinh doanh tại Việt Nam.
Vì vậy, quầy thức ăn chế biến sẵn rất đa dạng món từ cơm các loại, bún, miến, bánh tráng trộn và thậm chí là hột vịt lộn. Đây có thể coi là một điểm cộng dành cho 7-Eleven.
Tuy nhiên, việc địa phương hoá các loại thực phẩm của "ông lớn" bán lẻ đến từ Mỹ này lại là một điểm trừ lớn. Bởi các loại thực phẩm này tuy hợp vệ sinh, nhưng người tiêu dùng phải bỏ một mức giá khá cao so với mặt bằng chung bên ngoài.
Nếu tính trung bình, mỗi phần ăn trưa, hoặc xế gồm cơm và nước uống có thể mất đến 50.000-60.000 đồng.
Chiến lược địa phương hoá với gỏi cuốn, hột vịt lộn, bánh tráng trộn... cũng khiến giới trẻ Việt ngán ngẩm bởi giá cao, thức ăn bị nguội và nếu ăn bên ngoài, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn. (Ảnh: Phúc Huy).
"Thời điểm 7-Eleven mới ra mắt, bọn mình cũng hứng thú đến xếp hàng chờ mua, bởi đây là thương hiệu lớn trên thế giới và có một số sản phẩm đặc trưng. Nhưng hiện cũng không còn nhiều. Thức ăn của 7-Eleven có thể tìm được những chỗ bán truyền thống khác ngon và với giá rẻ hơn", Ngọc Thuận - sinh viên một trường đại học gần cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, cho biết.
Ngoài việc địa phương hoá các loại thức ăn, thực phẩm không được mấy thành công thì chính không gian của 7-Eleven cũng là một điểm trừ trong mắt giới trẻ.
Theo Thuận, các sinh viên từ chối cửa hàng này vì không có chỗ để ngồi lại trò chuyện, chưa nói đến ngồi lại lâu hơn để học nhóm.
"Chúng mình chỉ chụp hình sống ảo trong những ngày đầu tiên rồi thôi", Thuận nói.
Các điểm kinh doanh của GS25 có nhiều không gian hơn 7-Eleven, có khu vực riêng để khách có thể ngồi lại trò chuyện hoặc thưởng thức bữa ăn.
Nhưng sau một thời gian kinh doanh, ghi nhận tại các cửa hàng tiện lợi GS25, các mặt hàng kinh doanh của ông lớn bán lẻ này cũng giống hầu hết các thương hiệu khác. Thậm chí, GS25 cũng đang "tranh phần" với 7-Eleven, khi quầy thực phẩm chế biến sẵn dùng cho các bữa ăn luôn đầy ắp với thực đơn đa dạng và phong phú món ăn Việt.
Mục tiêu mang văn hoá Hàn Quốc đến Việt Nam của GS25 giờ chỉ là những sản phẩm được bắt gặp ở bất kì cửa hàng tiện lợi nào. (Ảnh: Phúc Huy).
Đáng chú ý, GS25 từng tuyên bố sẽ lan toả văn hoá, trào lưu Hàn Quốc đến người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam thông qua các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm chế biến sẵn mang dấu ấn xứ sở kim chi.
Tuy nhiên, hiện số lượng mặt hàng xuất xứ Hàn Quốc tại các cửa hàng này đếm trên đầu ngón tay, và lựa chọn của khách hàng hầu hết cũng nhắm vào các sản phẩm thông dụng nhất như mì chế biến sẵn, hoặc mì gói dùng trực tiếp tại cửa hàng.
Ngoài ra, với đối tượng khách hàng nhắm đến là người trẻ yêu thích văn hoá Hàn Quốc nhưng tại các cửa hàng GS25, điển hình là điểm kinh doanh trên đường Trương Định (quận 3), khách đa phần đều là dân văn phòng. Nguyên nhân là địa điểm đặt cửa hàng của thương hiệu này chỉ tập trung quanh các toà nhà, nơi có nhiều nhân viên văn phòng hơn là sinh viên của các trường đại học.
Nhưng nhóm khách hàng này không có quá nhiều nhu cầu sử dụng các sản phẩm đến từ xứ sở kim chi, mà chỉ chủ yếu dùng bữa trưa, bữa xế trước giờ làm.
Ghi nhận tại điểm kinh doanh trên đường Trương Định của GS25 cũng cho thấy, số lượng khách hàng chỉ lác đác, có phần nhộn nhịp hơn vào giờ nghỉ trưa và tan tầm buổi chiều. Nhiều thời điểm trong ngày, nhân viên nhiều hơn cả khách.
Nhận định miếng bánh bán lẻ Việt Nam sẽ rất hấp dẫn trong những năm tới, ngay từ khi đặt chân vào, cả 7-Eleven và GS25 đều tuyên bố hùng hồn, nhưng hiện hai ông lớn này vẫn đang loay hoay trong một "cuộc chiến" mà không biết ai sẽ là người chiến thắng.