Cứ khoảng mỗi hai tiếng một cửa hàng 7-Eleven ra đời
7-Eleven là thương hiệu đến từ Nhật Bản, kinh doanh cửa hàng tiện ích nổi tiếng. Sức ảnh hưởng của thương hiệu này lan tỏa trên toàn thế giới.
Đến nay, chuỗi 7-Eleven đã có mặt tại 17 quốc gia trên toàn thế giới với 56.400 cửa hàng, riêng Nhật Bản có hơn 15.000 cửa hàng. Mỹ đứng thứ hai với 8.116 cửa hàng, theo sau là Thái Lan và Hàn Quốc với khoảng 7.000 cửa hàng mỗi nơi. Sự mở rộng và thâm nhập nhiều thị trường mới còn tiếp tục cho đến hôm nay.
Cứ khoảng hai tiếng, ở một nơi nào đó trên thế giới, lại có một cửa hàng 7-Eleven mới mọc lên. Điều này thể hiện ra sức ảnh hưởng cực lớn của chuỗi cửa hàng này.
Phương châm hoạt động của chuỗi cửa hàng tiện lợi này là "tiện ích" và "linh hoạt". Giống như các thương hiệu của Nhật Bản khác, 7-eleven hướng đến sự hài lòng của khách hàng.
Bên cạnh đó, điểm đặc biệt của 7-Eleven là không phải cửa hàng nào cũng giống nhau. Nếu như ở Mỹ, 7-Eleven hơi giống các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini khác, ngoại trừ việc họ có thứ đồ uống Slurpee tuyệt ngon thì ở những nơi khác, đặc biệt châu Á, 7-Eleven đã trở thành một phần của cuộc sống.
Với kinh nghiệm làm việc quốc tế trong khoảng hơn 50 năm, 7-Eleven được đánh giá hoàn toàn có thể thành công tại thị trường Việt Nam - vốn đã rất ưa thích sử dụng hàng hóa Nhật Bản.
Cơ hội
Những poster quảng cáo của 7-Eleven cho thấy họ đang tập trung vào chiến lược xây dựng menu món ăn phù hợp với nhiều đối tượng.
“7-Eleven thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam danh mục hơn 100 món ăn được làm mới mỗi ngày. Chúng tôi kỳ vọng trở thành điểm hẹn ẩm thực mới cho cư dân thành thị, và là địa điểm cung cấp bữa trưa công sở với hơn 20 món ăn linh hoạt thay đổi mỗi ngày, và phù hợp với văn hoá ẩm thực của người Việt Nam”, đại diện thương hiệu này cho biết.
Trước đó, trên Fanpage chính thức, 7-Eleven cũng đã úp mở việc đầu tư vào mảng ẩm thực bằng cách tổ chức hàng loạt các cuộc thi trực tuyến, liên quan đến các món ăn Việt Nam như: bánh mì, bánh cuốn, xôi, gỏi cuốn…
Giống như những gì Circle K làm được tại Việt Nam, đồ ăn nhanh, rẻ và mở cửa 24/7, 7-Eleven cũng sẽ theo chiến lược này.
Xét về thói quen sinh hoạt và ăn uống của giới trẻ, giá cả sinh viên thì 7-Eleven hoàn toàn có thể thành công tại Việt Nam.
Những đối thủ sừng sỏ
Có quá nhiều siêu thị lẫn cửa hàng tiện ích tại Việt Nam và dù có hướng đi chủ đạo được xác định với 7-Eleven ở Việt Nam là tập trung vào đồ ăn thì chưa chắc 7-Eleven đã có thể cạnh tranh.
Hơn nữa, nếu hàng hóa chưa phù hợp với thị trường Việt Nam, có khả năng 7-Eleven trở thành cửa hàng đồ ăn thay vì cửa hàng tiện lợi.
Vinmart+, Shop&Go, Circle K, B's Mart hay Ministop - nghe qua đã thấy những đối thủ sừng sỏ đang sẵn sàng đón chờ 7-Eleven.
Trong đó, những thương hiệu như Vinmart+ hay Circle K đang có những định hướng rất tốt cho thị trường.
Vinmart+ sẽ là đối thủ “đáng gờm” nhất với số hệ thống cửa hàng lớn hơn nhiều lần tất cả những đối thủ khác cộng lại.
Tính đến cuối năm 2016, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, tổng số cửa hàng đi vào hoạt động của Vinmart+ đạt con số 1.000 cửa hàng với sự đa dạng về hàng hoá, dịch vụ, tiện ích, đáp ứng nhu cầu mua sắm từ bình dân đến cao cấp của khách hàng.
Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến Ministop, công ty con của Aeon, là chuỗi cửa hàng phủ sóng mạnh tại TP.HCM và một số cửa hàng tại Bình Dương, trước đây từng là đối tác của G7 (Trung Nguyên).
Ngoài ra, các thương hiệu Nhật Bản đang vào Việt Nam quá nhiều. Từ việc ưa chuộng hàng Nhật, người tiêu dùng Việt sẽ cảm thấy no nê và tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của hàng hóa.