Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu đưa loại hình City Tour cụ thể hóa vào quy định tại dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để thực hiện đồng bộ, lâu dài và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Sản phẩm du lịch đặc thù
Từ tháng 5/2018, chiếc xe buýt 2 tầng đầu tiên do Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vận hành chính thức lăn bánh tại Hà Nội. Rất nhanh sau đó, tuyến xe buýt Hanoi City tour 01 của Transerco đã khẳng định đây là sản phẩm du lịch đặc sắc giúp du khách có những trải nghiệm thú vị trên phương tiện tiện nghi, hiện đại để khám phá Hà Nội.
Hanoi City tour là loại hình du lịch linh hoạt, tiện lợi, kết hợp giữa dịch vụ vận chuyển hành khách chất lượng cao với tham quan các danh thắng nổi bật của Thủ đô Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng thoáng nóc.
Tuyến Hanoi City tour 01 có lộ trình đi qua 25 tuyến phố với 13 điểm dừng, tạo điều kiện thuận lợi để hành khách tiếp cận dễ dàng 30 điểm tham quan đặc sắc của Hà Nội, cho phép du khách tự khám phá, trải nghiệm theo cách riêng của mình.
Trên Hanoi City tour được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại với nhiều tiện ích, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc, Pháp, Hàn, Nhật, Nga… thuận lợi cho nhiều cá nhân hoặc nhóm khách với các quốc tịch khác nhau trên cùng chung một hành trình. Trước mỗi điểm đến, hệ thống âm thanh đều sẽ thuyết minh, giới thiệu về điểm du lịch này để hành khách có thêm thông tin.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, từ khi triển khai, đưa vào hoạt động tuyến đến nay, xe buýt 2 tầng đã góp phần nâng cao hình ảnh của các địa phương triển khai dự án, tạo được sản phẩm mới, góp phần xây dựng hình ảnh cho ngành du lịch, ngành giao thông, có khả năng thu hút thêm khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Lộ trình tuyến đã đáp ứng được sự kết nối giữa các điểm du lịch, các thắng cảnh và các điểm vui chơi chính của Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện để khách du lịch có thể thăm, tiếp cận được với các điểm du lịch chính của thành phố đồng thời giảm được nguy cơ ùn tắc do khách du lịch không sử dụng các loại hình vận chuyển khác.
Tạo khung pháp lý khi sửa luật
Gần 2 năm thí điểm hoạt động, vấn đề đặt ra hiện nay là quản xe buýt 2 tầng thế nào để đảm bảo ATGT, chất lượng dịch vụ cũng như quyền lợi của hành khách.
"Đến thời điểm này, sau Hà Nội City tour của Transerco, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội cũng đã thí điểm triển khai 2 tuyến, 1 tại Hà Nội và 1 tại Hạ Long - Quảng Ninh (thực hiện từ tháng 6/2019).
Tuy nhiên, số phương tiện xe 2 tầng thoáng nóc đang khai thác trên cả nước còn rất khiêm tốn, với tổng số 9 xe (tại Hà Nội 7 xe, Hạ Long có 2 xe)."
Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, dù mới thí điểm ở Quảng Ninh từ tháng 6/2019, bước đầu, loại hình này đã thể hiện được sự hấp dẫn, phản hồi của khách tương đối tích cực.
Về việc xác định đúng loại hình để quản lý, vị này cho hay: Đây là một loại hình hết sức đặc thù, kết hợp giữa xe buýt và xe du lịch.
“Trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách chỉ còn 3 loại hình là taxi, xe buýt và xe hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu áp xe 2 tầng thoáng nóc đang hoạt động hiện nay vào 1 trong 3 loại hình nói trên là rất khó khăn. Theo mô hình nào cũng có ưu, có nhược và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị”, vị này nói và kiến nghị: Đề xuất Bộ tiếp tục cho phép thí điểm mô hình này.
Do đây là sản phẩm du lịch, cần sự linh hoạt của khách du lịch. Nếu áp là xe buýt, doanh nghiệp rất khó thực hiện, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của hành khách.
Về lâu dài, đại diện Sở GTVT Quảng Ninh cho rằng, nên vận hành theo mô hình xe buýt, nhưng cần có một số tiêu chí đặc thù của một sản phẩm du lịch, linh hoạt về biểu đồ, được ký hợp đồng với đoàn khách.
“Điều này không ảnh hưởng gì đến mục tiêu quản lý an toàn, chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho DN kinh doanh loại hình này”, vị này khẳng định.
Đồng quan điểm, đại diện Sở GTVT TP HCM cho rằng: Do có biểu đồ và lịch trình đi lại cố định, thời gian hoạt động gần như theo biểu đồ công bố, do đó phù hợp với mô hình hoạt động của xe buýt.
Tuy nhiên, cũng cần có những cơ chế riêng để hoạt động phù hợp với loại hình chủ yếu phục vụ khách du lịch.
Về phía Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị đầu tiên thí điểm xe buýt 2 tầng trên địa bàn Hà Nội, Phó tổng giám đốc Ngô Xuân Phú cho biết, Tổng công ty thống nhất quan điểm cần tiếp tục thí điểm. Tuy nhiên, đây là sản phẩm đặc thù, có phân khúc rõ ràng và cần có khung quản lý nhất định để tránh tình trạng trăm hoa đua nở, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Cũng theo ông Phú, đây là một sản phẩm du lịch, không thuần túy là buýt, nên cách quản lý cần đặc thù hơn, thiên về sản phẩm du lịch là chính.
Quan điểm này của ông Phú cũng tương đồng với quan điểm của đại diện đến từ Bộ VH-TT&DL. “Tôi cho rằng đây là sản phẩm du lịch đặc thù. Bản thân xe buýt có tuyến đi, điểm đón.
Khách du lịch hoàn toàn có quyền đi xe buýt để đi các điểm du lịch. Nhưng tại sao họ không đi xe buýt mà lại đi xe 2 tầng? Vì nó phù hợp với khách du lịch. Vì là sản phẩm du lịch nên nó có đặc thù là có thể bán vé lẻ hoặc cũng có thể bán vé đoàn”, vị này khẳng định.
Được biết, trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiến nghị cho phép các địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương mình chủ động triển khai phê duyệt và thí điểm tổ chức thực hiện quản lý đối với dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng, thoáng nóc.
Trước mắt, giao Bộ GTVT xây dựng dự thảo Quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ để quy định nội dung quản lý của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị kinh doanh vận tải du lịch, cơ chế để thúc đẩy phát triển dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch; thời gian trình Thủ tướng trong năm 2020.
Về lâu dài, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu đưa loại hình City Tour cụ thể hóa vào quy định tại dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để thực hiện đồng bộ, lâu dài và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.