Tập đoàn Hoa Sen gia tăng thị phần tôn mạ, ống thép

Trong tháng 11, Tập đoàn Hoa Sen chiếm 36% thị phần tôn mạ và 17,1% thị phần ống thép nội địa, cao hơn đáng kể so với trung bình các tháng trước. Tính chung 11 tháng, Hoa Sen đã bán ra 388.477 tấn ống thép, nắm giữ 16,7% thị phần.

Hoa Sen tăng tốc tiêu thụ

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11 vừa qua, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã bán ra tổng cộng 356.027 tấn tôn mạ, tăng gần 5% so với tháng liền trước.

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) giữ vững ngôi đầu khi tiêu thụ 127.995 tấn, chiếm 36% thị phần trong tháng.

Theo VSA, thị trường lớn nhất của Hoa Sen là xuất khẩu với sản lượng hơn 73.200 tấn, theo sau là miền Nam với trên 33.000 tấn.

Trong tháng, Hoa Sen sản xuất 143.583 tấn tôn, chủ yếu là tôn mạ kẽm với gần 68.100 tấn, kế đến là hợp kim Al-Zn với 50.343 tấn và tôn mạ màu 25.146 tấn. Tổng lượng tôn tồn kho cuối tháng 11 là gần 85.000 tấn.

Hoa Sen gia tăng thị phần tôn mạ, ống thép - Ảnh 1.

Lũy kế 11 tháng, Hoa Sen đã tiêu thụ trên 1,18 triệu tấn tôn mạ, nắm giữ 33,4% thị phần toàn ngành. Có thể thấy, thị phần của tập đoàn trong tháng 11 cao hơn đáng kể so với các tháng trước trong năm 2020.

Ngoài sản phẩm chủ lực là tôn, Hoa Sen còn tiêu thụ hơn 47.600 tấn ống thép trong tháng 11, tăng 48% so với tháng 10 và đứng thứ hai về thị phần với tỉ lệ 17,1%. Trên thị trường ống thép, Hoa Sen hiện nay chỉ đứng sau Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và xếp trên Minh Ngọc, Nam Kim (Mã: NKG).

Tính chung 11 tháng, Hoa Sen đã bán ra 388.477 tấn ống thép, nắm giữ 16,7% thị phần.

Hoa Sen gia tăng thị phần tôn mạ, ống thép - Ảnh 2.

Lợi nhuận cao đột biến, hàng tồn kho và phải thu cũng đi lên

Hoa Sen mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của niên độ 2019 – 2020 (từ 1/10/2019 đến 30/9/2020) cho thấy doanh thu thuần đạt 27.531 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch mà cổ đông giao phó và giảm 2% so với niên độ trước. Giá vốn hàng bán giảm sâu hơn, tới 8%, nên lợi nhuận gộp tăng trưởng 45% lên 4.627 tỷ đồng.

Chi phí tài chính giảm 20%, tương ứng giảm 157 tỷ đồng do tập đoàn giảm vay nợ. Cụ thể, nợ vay ngân hàng của Hoa Sen tại thời điểm 30/9/2020 là hơn 14.200 tỷ đồng, thấp hơn 1.500 tỷ đồng so với một năm trước đó.

Chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi nhiều, chi phí bán hàng tăng 27% lên 2.221 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn niên độ đạt 1.153 tỷ đồng, tăng 219% so với niên độ trước và vượt 188% kế hoạch 400 tỷ đồng mà đại hội cổ đông đề ra.  

Kết quả kinh doanh này tương đối sát với ước tính trước đó của tập đoàn. Từ đầu tháng 10, Hoa Sen đã công bố doanh thu thuần dự kiến 27.538 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỉ đồng. Sản lượng tiêu thụ cả niên độ này ước đạt trên 1,62 triệu tấn, tăng 9% so với niên độ trước.

Riêng trong quý cuối niên độ (ba tháng từ 1/7 đến 30/9/2020), Hoa Sen ghi nhận sản lượng tiêu thụ gần 525.300 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ; doanh thu thuần 8.349 tỷ đồng, tăng 31% và lãi sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 376%.

Hoa Sen gia tăng thị phần tôn mạ, ống thép - Ảnh 3.

Bên trong nhà kho ống thép của Hoa Sen. (Ảnh: Hoa Sen).

Trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/9/2020, Hoa Sen có tổng nguồn vốn 17.756 tỷ đồng, tăng 531 tỷ đồng (tức 3%) so với ngày đầu niên độ. Trong đó, nợ phải trả là 11.166 tỷ đồng, giảm 591 tỷ đồng; và vốn chủ sở hữu là 6.591 tỷ đồng, tăng 1.123 tỷ đồng nhờ có thêm lợi nhuận tích lũy trong năm.

Tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn cuối kỳ là gần 63%, giảm so với con số hơn 68% một năm trước.

Bên phía tài sản, Hoa Sen ghi nhận giảm hơn 1.100 tỷ đồng tài sản cố định (dài hạn) trong khi tài sản ngắn hạn tăng hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu tăng 685 tỷ đồng, tiền mặt thêm 286 tỷ đồng, hàng tồn kho thêm gần 1.000 tỷ đồng.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.