Tây Nguyên được đầu tư gần 1.900 km cao tốc

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ hoàn thành 9 tuyến cao tốc dài gần 1.900 km, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại lễ phát động đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km cao tốc", trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (huyện Krông Păk), ngày 18/8.

Công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Ngọc Oanh).

Tại lễ phát động kết nối trực tuyến với 10 tỉnh có cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh đây là sự kiện ý nghĩa khi Đăk Lăk là vùng trọng điểm của Tây Nguyên, song chưa được phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược. Thời gian tới Tây Nguyên cần được đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng gần 1.900 km cao tốc.

Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Đường cao tốc (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết theo quy hoạch khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc. Trong đó, một tuyến trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây với tổng chiều dài 495 km từ Ngọc Hồi - Chơn Thành (đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 140 km dự kiến khởi công cuối năm nay; đoạn Ngọc Hồi - Gia Nghĩa 355 km đang nghiên cứu đầu tư).

Ngoài ra, còn có 8 tuyến trục ngang dài khoảng 1.400 km, bao gồm 19 km cao tốc Liên Khương - Prenn hoàn thành đầu tư; đang đầu tư 117 km đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; chuẩn bị đầu tư 381 km đoạn Quy Nhơn - Pleiku (180 km), Dầu Giây - Liên Khương (201 km đã phê duyệt chủ trương đầu tư); đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư (136 km đoạn Kon Tum - Quảng Ngãi).

Giai đoạn sau năm 2030, Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư khoảng 751 km các tuyến còn lại theo quy hoạch: Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Pleiku - Lệ Thanh, Phú Yên - Đăk Lăk, Nha Trang - Liên Khương, Liên Khương - Buôn Ma Thuột.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, rộng gần 55 nghìn km2, dân số khoảng 6 triệu người, với 54 dân tộc. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, chiều 17/8. (Ảnh: Ngọc Oanh).

Tại lễ phát động đẩy nhanh hoàn thành các cao tốc nói trên, Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược. Trong đó hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, với mục tiêu đạt 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km vào năm 2030.

Hiện, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km. Các dự án cao tốc đang được thi công với trên 1.700 km trải dài 48 tỉnh, thành phố. Sau lễ phát động, các bộ ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai, đặc biệt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, thi công... để hoàn thành đưa 3.000 km cao tốc trước 31/12/2025 theo đúng mục tiêu Chính phủ đề ra.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.