Techcombank kết hợp VinShop đẩy mạnh mảng tiêu dùng nhanh giá 50 tỉ USD

Theo đại diện Techcombank, sự hợp tác này sẽ giúp ngân hàng thu hút được khách hàng với chi phí thấp, tạo cơ hội bán thêm sản phẩm và quản trị rủi ro tốt hơn.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay mảng tiêu dùng nhanh (FMCG) thông qua việc hợp tác chiến lược với One Mount Group, đơn vị sở hữu ứng dụng VinShop.

Theo đại diện Techcombank, sự hợp tác này sẽ cung cấp cho các nhà bán lẻ gói giải pháp đồng bộ về cả phương diện tài chính và phi tài chính. Trong đó, phía ngân hàng cung cấp các sản phẩm về vốn, quản lí vốn lưu động trong các chương trình khuyến mãi và các hình thức thanh toán chậm, thanh thoán không dùng tiền mặt… Còn VinShop cung cấp các công cụ lên kế hoạch và quản lí hàng tồn kho, cung ứng hàng hóa và các dịch vụ đi kèm.

123075780_806719606759715_8875499530315428222_n.png

Mô hình kinh doanh trong hệ sinh thái được Techcombank và VinShop thiết lập. (Ảnh: chụp màn hình)

Ban lãnh đạo ngân hàng này kì vọng, thông qua VinShop, Techcombank sẽ thu hút được khách hàng với chi phí thấp hơn so với ngân hàng truyền thống, tạo cơ hội bán thêm sản phẩm. Đồng thời, giúp ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn và tăng sự gắn kết với khách hàng.

"Hiện nay, đó không còn là kế hoạch nữa mà chúng tôi đã và đang thực hiện hợp tác toàn diện với VinShop. Techcombank đã và đang thiết kế các giải pháp cho các nhà bán lẻ. Trong quí III, Vinshop đã công bố ra thị trường các giải pháp cho các nhà bán lẻ, còn đối với Techcombank, chúng tôi sẽ đưa ra thử nghiệm vào tháng 11/2020", Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Nói về lí do đẩy mạnh đầu tư cho phân khúc FMCG, lãnh Techcombank cho rằng tiềm năng của phân khúc này là rất khả quan. Theo đó, qui mô lĩnh vực tiêu dùng nhanh rất lớn với tốc độ tăng trưởng hàng năm rất cao (10 – 15%/năm). Số lượng các cửa hàng tạp hóa đến cuối năm 2019 là 1,4 triệu và dự kiến vào cuối năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 1,6 – 1,7 triệu, chủ yếu là hình thức là các cửa hàng trên phố và trong chợ, với tổng giá trị giao dịch ước đạt 50 tỉ USD.

"Mặc dù các cửa hàng tiện lợi đang phát triển rất nhanh nhưng cửa hàng bán lẻ vẫn chiếm thị phần rất lớn trong hệ thống phân phối, khoảng 70%", lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về lí do Techcombank quyết định triển khai chương trình dành cho nhà bán lẻ trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tác động của dịch bệnh là không lường trước được và ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành nghề. Tuy nhiên, theo dự đoán của banh lãnh đạo ngân hàng, lĩnh vực FMCG đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng tạp hóa chịu ảnh hưởng rất ít.

Điểm thứ hai, các cửa hàng trong chuỗi cửa hàng bán lẻ trong lĩnh vực FMCG tiếp cận rất ít các dịch vụ tài chính và phi tài chính. Nghĩa là trên thị trường, các giải pháp cho nhóm phân khúc khách hàng này, nhóm thành phần này cũng đang rất ít.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Techcombank cũng đề cập đến định hướng giảm phụ thuộc vào lĩnh vực bất động thông qua việc phát triển mảng FMCG theo mô hình hệ sinh thái cho chuỗi giá trị hàng tiêu dùng nhanh.

"Trong chiến lược phát triển thời gian tới, ngoài bất động sản, Techcombank có một số lĩnh vực khác đang triển khai như tiêu dùng nhanh (FMCG). Tuy nhiên, những lĩnh vực này cần thời gian để xây dựng", Chủ tịch Hồ Hùng Anh chia sẻ tại Đại hội.

VinShop, thành quả từ sự bắt tay giữa Techcombank và Vingroup?

VinShop được CTCP One Mount Group giới thiệu lần đầu vào tháng 10/2020 với vai trò là một ứng dụng điện thoại kết nối, cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa. Hiện VinShop đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Appstore, CH Play cũng như có địa chỉ website VinShop.vn

Theo lãnh đạo công ty, đã có hơn 20.000 tiệm tạp hóa tại Hà Nội và TP HCM tham gia VinShop và sẽ mở rộng hoạt động tới các tỉnh thành khác. Mục tiêu đến năm 2022, số lượng đối tác gia nhập hệ thống dự kiến sẽ đạt 300.000.

Về phía chủ sở hữu của VinShop, One Mount Group lần đầu xuất hiện vào tháng 9/2019 theo công bố từ một văn bản của Vingroup. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 3.047 tỉ đồng với cổ đông chính là Vingroup (góp 51,22% vốn). Ngoài ra, công ty còn có 2 cổ đông sáng lập khác là hai cá nhân: Nguyễn Minh Hồng (0,98%) và Ngạc Văn Lượng (0,06%).

Đến tháng 4/2020,công ty tăng vốn điều lệ lên gần 3.397 tỉ đồng, và tăng lên mức 4.047 tỉ đồng từ ngày 26/6/2020.

Trong khi thị trường xuất hiện nhiều đồn đoán về cơ cấu cổ đông của One Mount Group, trang Vietnam Finance Society (VFS) bất ngờ đăng tải thông tin cho biết lãnh đạo công ty này đã sang Mỹ tổ chức buổi tiếp xúc với hơn 30 chuyên gia người Việt làm việc đang làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, marketing… và kêu gọi những chuyên gia này về nước làm việc.

Thêm nữa, VFS còn giới thiệu One Mount Group được thành lập bởi các tập đoàn lớn nhất Việt Nam, bao gồm: "Masan Group, Techcombank và Vingroup".

Thông tin về việc Techcombank tham gia vào cơ cấu cổ đông One Mount Group càng có cơ sở khi vào tháng 11/2019, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của One Mount Group đã được thay đổi từ bà Nguyễn Mai Hoa sang ông Hồ Anh Ngọc, em trai của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...