Tết Nguyên đán tại Singapore
Tại Singapore, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất của đất nước này. Cộng đồng người Hoa tại đây cùng hòa vào dòng người diễu hành, tham gia vào các lễ hội cổ truyền và thưởng thức các món ăn địa phương tại các chợ phố và khu phố người Hoa. Ngày lễ này kéo dài 7 ngày.
Tết Nguyên đán ở Singapore ban đầu chỉ tập trung tổ chức bởi dân tộc Hoa, tuy nhiên sau này nó đã trở thành ngày lễ chính tại khắp đảo quốc. Du khách có thể tới khu phố người Hoa, dạo quanh hơn 400 quầy hàng bán các đồ thủ công mĩ nghệ và các món ăn cho ngày lễ như bánh tart dứa, thịt lợn nướng hun khói (bak kwa) và bánh gạo (nian gao).
Tuy nhiên món ăn cổ truyền của Singapore trong dịp lễ Tết này đó là món salad có tên là yu sheng - món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Nguyên liệu của nó bao gồm rất nhiều loại rau củ cắt thành sợi nhỏ và cá sống cắt mỏng (thường là cá hồi kiểu sashimi hay cá thu) ăn kèm với nước sốt.
Ngoài ra du khách có thể trải nghiệm lễ hội River Hongbao với các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, mua sắm chợ đêm, các hoạt động giải trí dành cho trẻ em, người lớn và cả người già, đây là một sân chơi lí tưởng cho cả gia đình.
Bên cạnh đó, lễ hội Chingay cũng là sự kiện rất được mong chờ của cả người dân Singapore và du khách trên toàn thế giới.
Tết Nguyên đán tại Malaysia (Penang)
Khi đến ngày Tết Nguyên đán, người Malaysia gốc Hoa đoàn tụ về quê hương để ăn uống, đánh bạc và ăn mừng cùng với gia đình. Trong những ngày này, người Penang lẫn du khách Malaysia và khách du lịch nước ngoài cùng tham dự các lễ hội truyền thống Chap Goh Meh, Pai Ti Kong, lễ hội Penang CNY,...
Ở Malaysia, người ta cũng ăn món Yusheng để công việc làm ăn luôn thuận lợi, thăng tiến, gặp nhiều may mắn và tăng tiền tài. Bên cạnh đó, trong dịp lễ họ cũng thưởng thức một số món ăn cổ truyền như món Otak Otak có nguyên liệu chính là thịt cá thơm ngọt hòa với hương thơm lừng của nghệ, gừng và vị cay của ớt.
Món thịt nướng Satay, Bò Rendang và Ketupat cũng rất được ưa chuộng trọng dịp lễ Tết của người dân Malaysia.
Tết Nguyên đán tại Indonesia
Tại Indonesia, thành phố Singkawang ở Tây Kalimantan (đảo Borneo), người dân tổ chức lễ hội mừng năm mới Cap Go Meh để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn.
Tại đây, hàng trăm người tham gia lễ hội tự xuyên que kim loại qua má và mặc những trang phục sặc sỡ, trang trí với hộp sọ khỉ. Nghe có vẻ đáng sợ tuy nhiên hành động này hoàn toàn vô hại vì các vết sẹo sẽ lành sau vài ngày.
Những người biểu diễn trong lễ hội này là các Tatung, họ cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã giữ được bản sắc văn hóa được lưu giữ từ nhiều đời và giúp đất nước phát triển du lịch.
Ngày lễ Tết thì không thể thiếu các món ăn truyền thống. Trong các món ăn đặc sản của Bali thì món Bebek betutu là được ưa chuộng hơn cả, du khách đã thưởng thức một lần thì chắc chắn sẽ quay lại Bali. Món ăn này có nguyên liệu chính là thịt vịt, tuy nhiên điều thú vị là đó không phải là vịt quay mà là món vịt vừa hầm vừa rán, đây sẽ là trải nghiệm ăn uống khó quên cho du khách khi họ về nước.