Mao Sơn Vương là giống sầu riêng đến từ Thái Lan đang làm mưa làm gió trên thị trường trái cây Trung Quốc suốt nhiều năm qua. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của đất nước tỉ dân này còn kéo theo việc thịnh hành của sầu riêng đông lạnh, mới đáp ứng đủ sự thèm ăn này.
Hơn 10 năm trước, người sáng lập nhà hàng Lưu Thanh Sầu Riêng ở Quảng Châu, Trung Quốc - Trần Chấn Giang, đã phát hiện ra loại trái cây này khi ông đi du lịch đến Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trần Chấn Giang thấy nó thật ngon, nhưng ông cũng nhận ra nhiều bạn bè của mình sẽ không muốn dùng những trái sầu riêng thô, vì không phải ai cũng chịu được mùi này.
"Họ muốn ăn các sản phẩm từ sầu riêng, như bánh sầu riêng, bánh pastry sầu riêng và bánh tarts sầu riêng. Điều này khiến tôi tò mò tại sao những người trốn tránh sầu riêng thô nhưng lại thích ăn các sản phẩm làm từ sầu riêng. Tôi đã mở nhà hàng này để làm các sản phẩm từ sầu riêng cho những người này dùng thử", chủ nhà hàng Lưu Thanh, từng làm đầu bếp cho hoàng gia Qatari, chia sẻ với Channel News Asia.
Các món ăn làm từ sầu riêng không còn mùi vị đặc biệt, vì đã hòa quyện cùng nhiều nguyên liệu khác. (Ảnh: CNA).
Món ăn đặc trưng của nhà hàng này là bánh gà sầu riêng. Món bán chạy nhất là rau bina với cơm chiên sầu riêng, và cá rau ngâm sầu riêng.
"Không có mùi hôi, vì hương thơm hòa quyện vào thức ăn. Nhiều khách hàng của tôi bây giờ yêu sầu riêng hơn", ông nói.
Không chỉ khách hàng của Lưu Thanh Sầu Riêng mà tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc đã "khai sáng" thêm cho loại trái cây có mùi đặc biệt này.
Từ năm 2009 đến 2017, nhập khẩu sầu riêng tươi của đất nước đã tăng gấp 4 lần, từ 124 triệu USD lên 552 triệu USD. Năm ngoái, sự tăng trưởng bùng nổ khi người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 1,1 tỉ USD, gấp đôi số tiền trong năm 2017.
Đã có một đợt bán sầu riêng của Thái Lan trên trang web bán lẻ Tmall. Trong phút đầu mở bán, 80.000 trái sầu riêng đã được tẩu tán.
Thái Lan là quốc gia duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi trực tiếp sang Trung Quốc đại lục, nhờ một hiệp định thương mại năm 2003. Trong số sản lượng hàng năm khoảng 600.000 tấn, 70% vào năm ngoái đã đến thị trường Trung Quốc.
Tại chợ rau củ quả Giang Nam ở Quảng Châu, giá sầu riêng đã tăng từ 55 nhân dân tệ (180.000 đồng) mỗi thùng lên 480 nhân dân tệ (1.570.000 đồng) chỉ trong 20 năm qua.
"Trước đây, chúng tôi bán được 100 đến 200 thùng mỗi ngày, bây giờ chúng tôi bán 700 đến 800. Rất nhiều người đã chấp nhận hương vị của sầu riêng", tiểu thương Bành Học Linh cho biết.
Giá sầu riêng tại Trung Quốc đã tăng gần 10 lần chỉ trong 20 năm qua. (Ảnh: CNA).
Ngược lại, người Thái đã "thắt lưng buộc bụng". Trong thập kỉ 2017, tiêu thụ sầu riêng của họ đã giảm xuống 20% so với trước đây, khi nông dân chuyển nguồn cung địa phương sang xuất khẩu. Tại chợ Iyara ở ngoại ô Bangkok, một trong những chợ trái cây tươi lớn nhất của đất nước, người bán sầu riêng Adisak Prangthaptim vẫn hay nhớ lại thời điểm trước, khi sự thèm ăn của người Trung Quốc bắt đầu tăng lên.
"Sầu riêng ngon nhất có giá 120 baht/kg (khoảng 91.000 đồng/kg); sầu riêng chất lượng tốt có giá 60 đến 80 baht (45.000-60.000 đồng). Bây giờ, sầu riêng chất lượng thấp hơn đã có giá 200 baht (152.000 đồng), sầu riêng chất lượng tốt được xuất khẩu để lấy giá cao hơn", ông nói.
Ông cho biết thêm: "Người tiêu dùng Trung Quốc ăn sầu riêng có lợi cho nông dân và người thương lái. Nhưng nó không tốt cho nhà bán lẻ".
Về việc người tiêu dùng Thái Lan có hài lòng việc mua sầu riêng ít hơn hay không, điều này phụ thuộc vào người bạn hỏi. Một số người thì cho rằng không sao, vì bán sầu riêng cho các nước khác có nghĩa là Thái Lan sẽ thu được nhiều tiền hơn.
Vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất của Thái Lan là Chanthaburi, một tỉnh phía Đông chỉ chiếm 1,2% diện tích, nhưng chiếm đến gần một nửa sản lượng sầu riêng do thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi.
"Năm ngoái đã có hơn 100 thương lái từ Trung Quốc đến làm ăn. Năm nay dự kiến con số này lên đến hơn 500 người. Họ biết cách xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Họ sẽ làm mọi thứ đúng để đáp ứng tiêu chuẩn của chính phủ", Chalermpol Sakkham, thị trưởng thành phố Tha Chang trong tỉnh, cho biết.
Ông dành lời ca ngợi cho việc này: "Điều đó làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn, không chỉ những người nông dân ở Chanthaburi, mà cả những người nông dân trồng sầu riêng trên khắp Thái Lan".
Người Thái khó mua được sầu riêng vì nông dân dồn lực để xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: CNA).
Bán sầu riêng béo bở đến mức nó đang thúc đẩy các nông dân khác nhảy vào. Giá cao su cũng đã giảm trong vài năm qua, do đó các đồn điền cao su đang được thay thế bằng cây sầu riêng.
Xung quanh tỉnh, có những mảnh đất mới được phát quang để trồng cây sầu riêng, và cũng là những nhà đóng gói được điều hành bởi những thương lái Trung Quốc.
Những doanh nhân giàu tiền mặt này đến các trang trại, tìm kiếm những vụ thu hoạch tốt nhất, thu gom bằng một hợp đồng tạm ứng, thuê công nhân cho thời gian thu hoạch và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Đối với thương lái địa phương, cuộc cạnh tranh với người Trung Quốc đang khốc liệt hơn bao giờ hết. Viroon Oonja, người đã kinh doanh 20 năm, cho biết: "Ngay cả khi bạn có nhiều tiền, việc mua vàng vẫn dễ dàng hơn so với mua sầu riêng. Nhưng tôi thì khác, vì tôi có rất nhiều bạn bè và tôi quen nhiều nông dân. Chúng tôi giúp nhau tìm thêm sầu riêng".