Thanh Trì còn thiếu 4 tiêu chí để lên quận

Huyện Thanh Trì hiện nay còn 4 tiêu chuẩn chưa đạt lên quận, bao gồm Cân đối thu chi ngân sách chưa đạt, Trường THPT đạt chuẩn quốc gia, Tỷ lệ tuyến phố văn minh, Công trình xanh.

Một góc huyện Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với huyện Thanh Trì và Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận. 

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, theo tiêu chuẩn thành lập quận, tổng số tiêu chuẩn phải đánh giá là 34 tiêu chuẩn, gồm 3 tiêu chuẩn về Quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số phường trực thuộc (phải đạt 3/3 tiêu chuẩn); 6 tiêu chuẩn về Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 25 tiêu chuẩn về Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn, đến nay, huyện Thanh Trì còn 4 tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: Cân đối thu chi ngân sách chưa đạt, Trường THPT đạt chuẩn quốc gia, Tỷ lệ tuyến phố văn minh, Công trình xanh. Theo các tiêu chuẩn thành lập phường thuộc quận, huyện có 16/16 đơn vị đã đủ điều kiện đạt tối thiểu 10/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. 

Theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2030, qua rà soát, huyện Thanh Trì có 04 đơn vị cấp xã cần phải sắp xếp theo quy định này, gồm: Đông Mỹ, Duyên Hà, Yên Mỹ và Thị trấn Văn Điển. UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng 2 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện để thành lập quận và các phường thuộc quận. Đánh giá tiêu chuẩn theo 14 đơn vị dự kiến thành lập phường, theo phương án 1, thì 14/14 đơn vị đã đủ điều kiện đạt tối thiểu 10/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. 

Tại buổi làm việc, huyện Thanh Trì kiến nghị Thành phố xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách huyện hưởng nguồn thu tiền sử dụng đất từ 80% lên 100% như đang áp dụng với các huyện khác.

Bên cạnh đó, đề nghị Thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương không xem xét tiêu chí “Cân đối thu - chi ngân sách” trong tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế của cấp xã khi phát triển thành phường do tiêu chí này đối với cấp xã rất khó thực hiện. 

Huyện cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án đường giao thông trục chính trên địa bàn huyện, như: dự án Nâng cấp, mở rộng đường 70 đoạn từ Hà Đông đến Thị Trấn Văn Điển; dự án đường nối đường Phan Trọng Tuệ với đường liên xã Tả Thanh Oai - Đại Áng Liên Ninh; dự án xây dựng cầu nối qua sông Nhuệ nối đường Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai với Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5; đường Vành đai 3,5 đoạn đi qua huyện Thanh Trì.

Đồng thời, đề nghị đôn đốc các đơn vị có kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu trung tâm đô thị huyện, như: Nhà máy Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển....theo quy hoạch chung Thủ đô đã được duyệt.  

Sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo Thành ủy đã đề nghị Thanh Trì thời gian tới tiếp tục rà soát kỹ 27 tiêu chí đã đạt, đối với 4 tiêu chí còn lại, phải có kế hoạch thực hiện cụ thể từ nay đến tháng 6/2024. Từ nay đến cuối năm, huyện phải tiếp cận được với các tiêu chí này.

Để đạt được tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách, huyện cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nuôi dưỡng, thu hút và khai thác có hiệu quả các nguồn thu, trong đó, phải tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến bắt đầu có doanh thu hàng nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.