Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án sử dụng vốn WB

Chiều 9/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Tổ công tác đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM và Bình Dương.

Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có 13 Hiệp định vay vốn WB đang được triển khai, với vốn 2,42 tỷ USD. Có 40 dự án đang chuẩn bị triển khai với số vốn 3,22 tỷ USD.

Trong đó, những dự án tiềm năng được WB quan tâm, ưu tiên chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, các dự án đường sắt cải thiện an toàn và thích ứng kết nối TP HCM - Cần Thơ, đường sắt đô thị tại Hà Nội, các dự án về chuyển đổi số, dự án giảm phát thải, hỗ trợ phát triển 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải metan thấp, các dự án phát triển đô thị...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Hoàng Mai cho biết quá trình triển khai dự án sử dụng vốn vay WB còn một số khó khăn như chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa rõ ràng trong việc xác định cơ quan chủ quản do có những khoản trống về pháp lý; nhất là khi triển khai các dự án thuộc địa bàn nhiều địa phương. Vướng mắc về thẩm quyền đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương hay địa phương, phân định giữa chi đầu tư và chi thường xuyên chưa rõ ràng trong một số lĩnh vực...

Một vướng mắc khác được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là phía WB tham gia tương đối sâu về mặt kỹ thuật vào quá trình triển khai dự án của phía Việt Nam thông qua việc cho góp ý, gửi thư không phản đối. Về phía Việt Nam còn một số hạn chế như trình độ, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; ngân sách, nguồn lực hạn chế dẫn tới thiếu vốn đối ứng, nhân sự dự án không đủ trình độ; chậm trễ trong đền bù, phải phóng mặt bằng và tái định cư...

Bà Kathleen A.Whimp, Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương cho biết bà đồng ý với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thời gian triển khai các dự án còn dài. Ví dụ như khung thời gian để làm công tác đánh giá và thẩm định dự án còn chậm trễ thì hiện tại cần xem xét làm sao để rút ngắn thời gian.

Theo bà Kathleen A.Whimp, WB Việt Nam cũng khó có thể linh hoạt thay đổi phạm vi các dự án bởi phải tuân theo quyết định của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thế giới. "Đội ngũ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam rất linh hoạt trong đàm phán hiệp định vay nhưng cái khó là cần có yêu cầu chính thức từ Chính phủ Việt Nam thì chúng tôi mới có cơ sở đưa ra các đề xuất của mình, dựa trên khung pháp lý chung của Ngân hàng Thế giới", bà Kathleen A.Whimp nói.

Cũng theo bà Kathleen, một hiệp định vay khi đã ký thì sẽ trở thành hiệp định quốc tế và trong quá trình triển khai dự án phải tuân thủ theo các quy định của WB và luật pháp quốc tế. Thực tế trong quá trình thực hiện dự án sau khi có hiệp định vay vẫn đúng với các cam kết của Việt Nam nhưng trên thực tế vẫn gặp các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật của quốc gia.

Đại diện WB mong muốn các đối tác của Việt Nam, bao gồm Bộ Tư pháp và các đơn vị chủ trì dự án, chủ đầu tư, các bộ, ngành hãy trao đổi các vấn đề này thật cụ thể với Ngân hàng Thế giới để hai bên cùng nhau tìm cách giải quyết những vướng mắc, chưa thống nhất giữa quy định của WB và luật của Việt Nam.

Đối với ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, liên quan đến các cái trình tự, thủ tục, quy định pháp luật về các dự án ODA, hiện nay Việt Nam đang tiến hành quy trình sửa đổi luật có liên quan. Trong đó, Luật ngân sách nhà nước cũng đang trong quá trình tổng kết và sắp tới là sẽ có lộ trình để sửa đổi luật này; trong đó cũng có một phần liên quan đến ODA.

Bên cạnh đó, giữa Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công sau khi một thời gian thực hiện luật từ năm 2019 đến nay vẫn còn những khó khăn về mặt pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục rà soát để tổng hợp những khó khăn để tiến hành sửa đổi một lần nữa và đặc biệt là liên quan đến các dự án ODA.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục của ODA, đơn giản đến mức tối đa để làm sao triển khai được nhanh. Bởi lẽ ODA luôn có đặc thù là phải áp dụng song hành các quy định của trong nước và của đối tác và việc tìm kiếm giải pháp để dung hòa được về quy định pháp lý và trình tự, thủ tục của cả hai bên là ưu tiên.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương cũng cho biết đây là việc khó, không phải áp dụng một lần chung cho tất cả các đối tác được. Đây là việc tiếp tục sửa đổi nhưng không thể nhanh chóng vì lộ trình phức tạp.

Để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án, các bộ, ngành và địa phương đề xuất WB phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các dự án đang thực hiện có đề nghị điều chỉnh (sử dụng vốn dư, kéo dài thời gian thực hiện dự án...), đánh giá và có ý kiến về các đề nghị của các cơ quan, địa phương.

Đồng thời, phối hợp với các chủ dự án rà soát các đề nghị cần có ý kiến phản hồi, thư không phản đối của WB, xác định thời hạn hoàn thành, thông báo kết quả giải quyết cho Tổ công tác. Đối với các dự án mới, WB phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chủ quản đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đàm phán, ký Hiệp định vay.

Cùng với đó, các đại biểu cũng đề xuất WB kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng các dự án tiềm năng; rà soát quy trình nhằm đơn giản hóa thủ tục, khả năng hài hòa thủ tục đối với phía Việt Nam như thủ tục đấu thầu và các chính sách về môi trường - xã hội, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.