Thay vành móng ngựa bằng bục khai báo

Ý tưởng dùng bục khai báo đã được đề xuất từ lâu nhưng tới nay mới quyết được, nó sẽ được quy định rõ trong thông tư.

Đây là điểm mới đáng chú ý quy định tại dự thảo thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án do TAND Tối cao xây dựng, sắp được ban hành. Trước đây có hai quan điểm khác nhau. Thứ nhất cho rằng bục khai báo thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ vành móng ngựa nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với bị cáo tại tòa.

Thuận lợi hơn cho bị cáo

Cuối cùng dự thảo thông tư của TAND Tối cao thể hiện theo quan điểm thứ nhất. Theo đó, bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của HĐXX. Bục này nằm phía dưới vị trí của đại diện VKS và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tại tòa người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc TAND Tối cao cho biết quá trình thảo luận vấn đề này khá sôi nổi. Có ý kiến cho rằng với những vụ án lớn, số lượng người tham gia tố tụng nhiều thì bục khai báo có thể gây cản trở. Bởi khi người tham gia tố tụng di chuyển từ chỗ ngồi lên bục khai báo và ngược lại sẽ mất thời gian, gây mất trật tự phiên tòa. Nhưng hầu hết ý kiến cho rằng đã đến lúc thay thế vành móng ngựa. Vì nó sẽ tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo dõi diễn biến phiên tòa. Đồng thời khi có bục cũng tăng cường vai trò trung tâm của HĐXX trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa.

thay vanh mong ngua bang buc khai bao
Sắp tới, các phiên tòa hình sự sẽ không còn hình ảnh chiếc vành móng ngựa. Ảnh minh họa: THANH TÙNG

Tránh tâm lý đã có tội

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến phân tích theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và quy định của BLTTHS 2013, một người không bị coi là có tội trước khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Thời điểm bị cáo ra tòa để khai báo vẫn được coi là người chưa phạm tội, trong khi vành móng ngựa lại tạo tâm lý coi họ như họ đã có tội. Cạnh đó, khi không có luật sư bị cáo tự thực hiện quyền bào chữa thì sẽ gặp khó khăn vì vành móng ngựa không có chỗ đặt và sử dụng tài liệu.

Trong bản góp ý gửi cho cơ quan soạn thảo, luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng ủng hộ quy định tại dự thảo. Theo ông, bục khai báo có diện tích đủ rộng để bị cáo sử dụng tài liệu, chứng cứ chứng minh lời khai của mình. Nhưng với các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì cần bố trí cảnh sát tư pháp hỗ trợ ngay sau bị cáo.

Còn chuyên gia Đinh Văn Quế chia sẻ phiên tòa hình sự của hầu hết nước không còn vành móng ngựa, mà thay bằng ghế bị cáo. Đối với các nước theo mô hình tranh tụng thì bị cáo không phải ngồi vào ghế vì việc tranh tụng chủ yếu giữa luật sư và công tố viên. Các nước theo mô hình thẩm vấn thì bị cáo ngồi vào ghế, tùy thuộc vào tình hình của mỗi nước mà ghế được cấu tạo khác nhau. Chẳng hạn ở Trung Quốc chiếc ghế được thiết kế đặc biệt, bị cáo đã ngồi vào thì gần như bị khóa, không phải còng tay, xích chân. Theo ông Quế, việc bỏ vành móng ngựa và thay vào đó là bục khai báo hoặc ghế bị cáo là phù hợp và cần thiết.

Tại phiên họp do Ban cán sự Đảng TAND Tối cao tổ chức ngày 8-2, ba cơ quan tố tụng là Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đều đồng thuận việc bỏ vành móng ngựa.

Lịch sử vành móng ngựa

Vành móng ngựa có từ bao giờ chưa ai xác định chắc chắn nhưng có thể khẳng định là nó du nhập vào nước ta từ khi thực dân Pháp xâm lược. Chiếc vành móng ngựa từ thời Pháp thuộc ở trụ sở TAND Tối cao có lẽ giờ cũng không còn nhưng các phiên bản của nó thì tòa án nào cũng na ná nhau. Có nhiều giả thuyết giải thích về nguồn gốc ra đời của vành móng ngựa. Nhưng đa số cho rằng lúc đầu nó chỉ là một hàng chấn song ngăn cách giữa bị cáo với HĐXX. Sau đó, do việc vận chuyển khó khăn nên người ta đã thu bớt nó lại. Qua nhiều thời kỳ, đến khi nó có hình giống như chiếc vành móng ngựa nên người ta gọi nó là “vành móng ngựa”.

Đã không ít các hội thảo khoa học bàn về mô hình tố tụng hình sự nhưng ít thấy ai bàn về chỗ ngồi cho bị cáo là nhân vật trung tâm của phiên tòa. Thực tiễn xét xử cho thấy không chỉ bị cáo mà cả các chiến sĩ cảnh sát tư pháp cũng đứng vào đó nhưng đứng cạnh, đứng sau. Hình ảnh này khiến người ta cảm thấy không ổn nên thay bằng cái bục thì hay hơn. Khổ nhất vẫn là bộ phận chuẩn bị phiên tòa lưu động. Họ phải vận chuyển vành móng ngựa từ trụ sở tòa án đến địa điểm mở phiên tòa. Có khi vùng sâu, vùng xa phải đi cả ngày đường, chở bằng xe máy, xe đạp hay khiêng vác đều vất vả, có khi té gãy cả vành móng ngựa, người thì xây xát.

Vành móng ngựa là bộ phận không thể thiếu trong phiên tòa hình sự. Nhưng trong luật không quy định rõ bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa. Thế nên mới có chuyện khi ra tòa, bị cáo nhất quyết không chịu đứng vào và cho rằng đứng vào đó là phải đi tù.

Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao ĐINH VĂN QUẾ _____________________________

CHUYỆN BI HÀI VỀ VÀNH MÓNG NGỰA

Bị tuyên án tử, đá vành móng ngựa

Ngày 7-12-2015, ngay sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên y án tử hình thì Trần Thanh Tiến (ngụ Bến Tre) lớn tiếng chửi thề, dùng chân đá vành móng ngựa, đạp bàn luật sư. Bị cáo còn vùng vẫy nhằm thoát sự khống chế của cảnh sát tư pháp. Tiến bị kết án tử về ba tội giết người, cướp tài sản và hiếp dâm. Bị cáo này còn có lịch sử ra tòa khá “ấn tượng”. Tháng 6-2013, Tiến bị TAND TP Tân An, Long An phạt sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Vừa ra trại, Tiến tiếp tục bị TAND quận Bình Tân, TP.HCM phạt 15 tháng tù cũng về tội trộm. Mới về quê được ba tháng, Tiến tiếp tục gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên…

Chửi thề, đạp đổ vành móng ngựa

Chủ tọa đọc tuyên án: “Bị cáo tái phạm vì bị phạt hai năm tù năm 2013, mới ra tù chưa được xóa án tích”. Lập tức Lý Hải Dương nhảy đổng lên chửi: “Đ.M điếc tai”, rồi liên tục chửi rủa và đạp đổ vành móng ngựa. Đó là cảnh tượng tại phiên tòa ngày 24-7-2015 tại TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ khi Dương bị xử về tội trộm cắp tài sản. Chưa kể khi bị tòa tuyên phạt 18 tháng tù thì Dương còn dọa sẽ… phá trại giam. Trước đó bị cáo đã dùng búa đập vỡ cửa kính nhà vợ chồng anh ruột mình nhưng bị phát hiện nên bỏ đi. Sau đó Dương quay lại dùng xà beng phá cửa, lấy một đầu đĩa DVD, một ampli, hai micro, một máy giặt, một quạt đứng, một tủ nhựa, một điện thoại di động trị giá hơn 7,7 triệu đồng.

Vợ bị cáo quỳ trước vành móng ngựa cảm ơn tòa

Ngày 4-10-2016, khi TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, vợ bị cáo Đinh Thiện đã quỳ trước vành móng ngựa rồi chắp tay: “Cảm ơn, cảm ơn quan tòa!”. Nguyên trước đó Thiện bị TAND huyện Hương Khê tuyên 42 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Trong khi từ đầu đến cuối bị cáo kêu oan, gia đình bị cáo thì cho rằng vụ án có nhiều uẩn khúc, không thể kết tội Thiện…

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.