Thể chế dung nạp hay loại trừ?

Tại hội thảo về Báo cáo 2035 đầu tuần, nguyên Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên đặt một câu hỏi cốt tử: “Thể chế chúng ta là dung nạp, hay là thể chế loại trừ?” Không ai trả lời câu hỏi của ông Liên, và bản thân ông cũng chỉ trả lời gián tiếp: “Chúng ta cần phải có thể chế dung nạp để mọi người tham gia vào quá trình phát triển”.

Vấn đề mà ông Liên, một người có uy tín trong giới học thuật và làm chính sách, nêu ra không mới, và chỉ nhìn trong lĩnh vực kinh tế cũng có đầy lo ngại.

Khái niệm “thể chế dung nạp” và “thể chế loại trừ” (có người dùng từ “tước đoạt” hay “chiếm đoạt”) do hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu đưa ra trong cuốn “Vì sao nước thịnh nước suy”.

Nói ngắn gọn, các tác giả cho rằng nước nào có thể chế dung nạp, tức luôn tạo ra cơ hội để xã hội có thể chung sức xây dựng kinh tế, tôn trọng sự sáng tạo để khích lệ mọi nguồn lực thì nước đó sẽ giàu lên. Ngược lại, nước nào có thể chế loại trừ, mọi chính sách chỉ nhằm khai thác chứ không phải phục vụ con người, quyền lực xã hội chỉ nằm trong tay một số người thì nước đó trước sau gì cũng nghèo đi.

Một chuyên gia của VCCI phải thốt lên từ “khiếp sợ” sau khi tiếp ba doanh nghiệp kinh doanh gas tại ba tỉnh. Theo Nghị định 107/2009, mỗi doanh nghiệp phân phối gas phải có 300.000 vỏ bình. Đến nay theo Nghị định 19 năm 2016, con số này được rút xuống còn 100.000 vỏ bình và các doanh nghiệp có hai năm để đáp ứng, nếu không thì sẽ phải đóng cửa.

Ba doanh nghiệp kinh doanh gas này, cũng giống như hàng chục doanh nghiệp tại nhiều tỉnh khác, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ gas của người dân các tỉnh nghèo này không cao, tính ra thì chỉ cần khoảng 50.000 vỏ bình là đủ cho mỗi tỉnh.

Để đáp ứng quy định mới, các doanh nghiệp này dự tính sẽ phải mua thêm 50.000 vỏ bình nữa, với giá 500.000 đồng một vỏ bình, tức là mất khoảng 25 tỉ đồng. Sau đó phải thuê một cái kho và người trông coi để chứa số vỏ bình đó, vì nhu cầu của dân toàn tỉnh không sử dụng hết. Toàn bộ chi phí này sẽ phải được doanh nghiệp chuyển vào giá bán gas, đổ lên đầu người dân trong tỉnh.

Các doanh nghiệp này hoang mang, không biết mình sẽ phải tiếp tục kinh doanh thế nào. Họ cho rằng quy định này được đặt ra vì lợi ích nhóm, theo đó, các doanh nghiệp lớn đã tìm cách thuyết phục Bộ Công Thương đưa ra điều kiện cao như vậy nhằm loại bỏ bớt đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp nhỏ.

Một câu chuyện khác liên quan đến Thông tư 37 về kiểm soát hàm lượng formaldehyt và amin thơm. Các doanh nghiệp dệt may phản ánh điểm gây bức xúc nhất là kiểm tra hàng mẫu, theo đó, vài cái áo mẫu, hay vài mét vải nhập về để làm mẫu cũng phải bị kiểm tra với chi phí hơn 2 triệu/lần trong thời gian 3 ngày. Có doanh nghiệp cho biết họ mất chi phí tới 4 tỉ đồng/năm cho khâu kiểm tra này. Ngay cả Hải quan cũng đề nghị bỏ. Chuyện cũng lên đến bàn của Thủ tướng. Song, bất chấp tất cả, bộ này vẫn giữ lại quy định gây khó khăn cho DN.

Hai câu chuyện trên chỉ là một vài nét chấm phá về chuyện quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang bị tước đoạt như thế nào bởi các điều kiện kinh doanh hiện đã lên tới gần 7.000 theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, hay hơn 6.000 theo Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung.

Ông Bùi Quang Vinh lúc còn làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa được câu này vào Luật Đầu tư: “Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trái với quy định tại khoản 3, Điều 7 của Luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016”.

Điều này có nghĩa là các điều kiện kinh doanh trong các văn bản từ cấp thông tư của các bộ trở xuống phải bị vô hiệu hóa nếu không được nâng cấp lên nghị định. Giới chuyên gia hi vọng rằng, khoảng một phần hai số điều kiện kinh doanh sẽ bị gỡ bỏ sau ngày 1-7 tới.

Đáng tiếc, mong muốn đó là không "hiện thực". Trong báo cáo của Chính phủ hôm qua cho biết, 17 bộ, ngành đã “tích cực” rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp 38 thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư. Điều này có nghĩa, hầu hết các điều kiện kinh doanh sẽ được giữ lại bằng cách nâng cấp lên nghị định.

Năm 2000, có khoảng 115 điều kiện kinh doanh bị Thủ tướng Phan Văn Khải gỡ bỏ từ kiến nghị của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, trong tổng số khoảng 500 điều kiện kinh doanh (con số do bà Phạm Chi Lan đưa ra). Cơ cấu của Tổ này là độc lập nên thẳng thắn, hiệu quả khác xa so với Tổ công tác hiện nay vốn bao gồm các quan chức từ các bộ, ngành, những người đương nhiên không “lấy đá ghè chân mình”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thể hiện quyết tâm sắt đá chiến đấu chống lại các điều kiện kinh doanh mà các bộ, ngành đã đẻ ra. Ông yêu cầu giữ nguyên thời hạn 1-7 mà Luật Đầu tư đã nêu, như kể trên. Thủ tướng đã có hàng loạt các cuộc gặp, chỉ thị. Đáng tiếc, quy trình rà soát các điều kiện kinh doanh chỉ gói gọn trong nội bộ các bộ, ngành mà thiếu sự tham vấn của các hiệp hội như VCCI.

Ngay cả Quốc hội gần đây đã thông qua tới bảy luật, cho phép bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh. Có nghĩa, là các điều kiện kinh doanh sẽ lại tiếp tục được đẻ ra trong các thông tư cấp bộ. Rồi đây, điều kiện kinh doanh, hay giấy phép con sẽ lại nở rộ hơn lúc nào hết.

Thể chế không thể trở thành “dung nạp” một khi người dân vẫn bị hạn chế khỏi các cơ hội làm ăn chính đáng để nuôi sống bản thân, nuôi sống cộng đồng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.