Rút lui vì mâu thuẫn lợi ích?
Mấy ngày qua, hàng loạt bài báo đưa tin TGDĐ buộc phải rời 22 gian hàng khỏi hệ thống của Big C trên toàn quốc. Sự việc diễn ra sau khi nhiều doanh nghiệp Việt lên tiếng cáo buộc BiG C xử ép họ sau khi về tay nhà bán lẻ Thái Lan Central Group. Trao đổi với Tri Thức Trẻ, ông Trần Kinh Doanh, CEO TGDĐ, đã đề cập tới những vấn đề phía sau việc TGDĐ rời 22 cửa hàng.
Ông Doanh nhấn mạnh Big C yêu cầu TGDĐ rời 22 gian hàng là việc làm không mong đợi. Tuy nhiên, phía TGDĐ đã rút các cửa hàng theo đúng những chi tiết mà đôi bên đã thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế khi việc hợp tác buộc phải chấm dứt sớm. Cũng theo ông Doanh, việc di dời đã được TGDĐ hoàn tất trong tháng 8 vừa qua.
Trong những thông báo trước đó, phía TGDĐ đã khẳng định doanh thu của 22 gian hàng vừa phải di rời góp phần rất nhỏ vào tổng doanh thu mà đơn vị này đạt được thông qua hệ thống gần 1.000 cửa hàng trên khắp cả nước. Chính vì thế, việc di rời này không tác động nhiều tới doanh thu của công ty này.
Ông Doanh không đề cập tới lý do Big C yêu cầu TGDĐ rời 22 gian hàng nhưng nguyên do không quá khó đoán. Ngoài Big C, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group còn sở hữu 49% hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tại thị trường Việt Nam, TGDĐ trở thành đối thủ của Central Group trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ và điện máy.
Ngoài ra, ông Trần Kinh Doanh cũng lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng TGDĐ bị Big C xử ép thông qua việc đuổi 22 gian hàng. Theo CEO của TGDĐ, đây chỉ là quyết định kinh doanh rất bình thường. Yếu tố được dùng để cân nhắc ở đây chỉ đơn thuần là lợi nhuận. Ông Doanh cũng khẳng định hai bên sẽ thực hiện mọi trách nhiệm của mình khi quyết định dừng hợp tác sớm.
Theo các số liệu, do giảm 22 gian hàng trong Big C nên trong tháng 8, số cửa hàng chuỗi thegioididong.com chỉ tăng 2 cửa hàng, trong khi trung bình công ty mở thêm hàng chục cửa hàng mỗi tháng. Tổng số cửa hàng đến cuối tháng 8 là 880 cửa hàng. Ông Doanh cũng từ chối nêu chi tiết doanh thu của 22 cửa hàng vừa bị đóng cửa.
Hệ thống bán điện thoại của Thế Giới Di Động tại Big C trước đây. Ảnh: VnExpress |
Theo thông tin trên báo VnExpress, về phía Big C, đại diện đơn vị này cũng cho biết, thực tế mô hình “shop in shop” được hình thành dưới thời chủ sở hữu là Casino Group. Khi Big C chuyển sang cho Central Group quản lý thì đơn vị này vẫn không bỏ mô hình này. Tuy nhiên, khi cả Thế Giới Di Động và Big C đều có sự thay đổi thì hai bên đã cùng nhau thỏa thuận nhưng chưa đạt được lợi ích chung, vì vậy đã "chấm dứt hợp đồng trong vui vẻ".
Bên cạnh vụ việc cửa hàng của Thế Giới Di Động rời khỏi Big C thì dư luận thời gian qua cũng dấy lên thông tin cho rằng, từ sau khi về tay Central, Big C đang ép doanh nghiệp Việt. Giải đáp thắc mắc này, đại diện Big C cho biết, thực tế, chủ sở hữu Thái Lan đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Điển hình là nếu trước đây, một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ tươi sống, gia dụng vào siêu thị sẽ phải chịu chi phí quản lý, bán hàng, tạo code. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp bán thực phẩm tươi sống đã không phải chi trả những chi phí này.
Riêng sự việc các doanh nghiệp thủy sản trong Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) hơn một năm qua cho rằng bị siêu thị đòi chiết khấu cao, theo Big C, sau khi đại gia Thái Lan quản lý, cả hai bên đã ngồi lại với nhau, lý giải để đi đến thỏa thuận cuối cùng, đồng thời, đưa ra mức chiết khấu phù hợp để hai bên cùng có lợi. Toàn bộ các doanh nghiệp cung cấp hàng trước đó đã đồng ý và tiếp tục cung cấp hàng cho Big C. Ngoài ra, mới đây siêu thị còn có thêm vài doanh nghiệp thủy sản tham gia cung cấp sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Cần cảm ơn người Thái
Thông tin trên báo Tri Thức Trực Tuyến, theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, việc này không có gì lạ thường vì cách đây 1-2 năm ông đã cảnh báo. Yêu cầu mà Big C đưa ra sau khi hãng này về tay nhà bán lẻ Thái Lan Central Group.
Theo ông Phú, càng nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại vào Việt Nam thì sẽ có hai mặt. Thứ nhất là tạo sức ép cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam và động lực cho siêu thị nội vươn lên. Ngược lại, hàng hoá trong nước sẽ bị lấn át ngay trên sân nhà.
Vì khi hàng ngoại vào siêu thị, chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì chắc chắn họ sẽ mua hàng ngoại. Mà hàng gì không cạnh tranh được thì họ đuổi hoặc có điểm cần bán hàng Thái họ cũng đẩy hàng Việt ra. Tất nhiên, họ không đẩy 100% hàng Việt ra luôn khỏi hệ thống mà sẽ theo thời gian.
Không chỉ điện máy, nhiều hàng gia dụng như may mặc, mỹ phẩm của người Thái cũng ăn vào tâm lý người tiêu dùng Việt Nam gần 10 năm nay. Mặt bằng hàng nông sản của Thái như xoài, chôm chôm, gạo cũng ngon hơn Việt Nam, giá cạnh tranh hơn. Không có gia đình người Việt Nam nào là không có hàng Thái Lan trong nhà.
Tuy nhiên, đó không phải là do chủ người Thái ghét bỏ hàng Việt mà là do năng lực cạnh tranh của hàng Việt kém.
"Mình cũng cần cảm ơn Thái Lan, vì nhờ có hàng Thái Lan mà một số mặt hàng Trung Quốc như nhôm nhựa “bay biến” khỏi Việt Nam. Hiện, chúng ta chỉ còn nhập nhiều đồ may mặc, điện tử, đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc thôi.
Lúc này, sức ép hàng hoá từ Thái Lan là đầu tiên, sau đó đến hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc", ông Phú nhấn mạnh.
Theo thông tin trên báo VnExpress, nhìn nhận về sự việc trên, một chuyên gia bán lẻ ở TP HCM cho rằng, việc các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với nhau khi không đạt được thỏa thuận là chuyện bình thường.
“Khi lợi nhuận không đạt được ở mức phù hợp thì hai bên sẽ tự tách nhau ra. Trong khi đó, việc Big C kết thúc hợp đồng với Thế Giới Di Động cũng là điều hợp lý khi mà chủ sở hữu đơn vị này đang nắm trong tay hệ thống điện máy lớn ở Việt Nam là Nguyễn Kim. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cũng cần tạo cho mình một lợi thế riêng để khi gặp sự cố tránh hụt hơi”, chuyên gia này phân tích.
Riêng với vấn đề chiết khấu, theo vị này, hiện nay không chỉ Big C đưa ra mức chiết khấu cao mà nhiều siêu thị nội, ngoại khác cũng đang áp chiết khấu lớn, đa phần dao động 2 đến 20%, tùy ngành hàng. Để tồn tại, ngoài thỏa thuận hợp lý, doanh nghiệp cũng cần xem lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí để có thể cạnh tranh tốt nhất trên thị trường. Khi cạnh tranh tốt, sản phẩm chất lượng thì các đại diện siêu thị sẽ tự động tìm đến.
Là một doanh nghiệp có số lượng hàng bán lớn trong các hệ thống siêu thị, cổ đông Vinamilk từng lo ngại về chiết khấu, cũng như sợ bị Big C "đuổi" ra khỏi hệ thống sau khi Central Group sở hữu. Tuy nhiên, trả lời tại đại hội cổ đông hồi tháng 5, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam cho rằng, thực tế Vinamilk không có bất cứ vướng mắc gì với siêu thị và hai bên làm việc rất vui vẻ.
"Chúng ta cung cấp sản phẩm tốt được người tiêu dùng tin tưởng, mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên thì chẳng dại gì hệ thống siêu thị bỏ chúng ta. Hiện nay, Vinamilk vẫn đang có mức chiết khấu và được chăm sóc tốt tại hệ thống siêu thị", bà Liên nói.
An Yên (Tổng hợp)