Theo tin tức trên Zing.vn, Fraser & Neave Ltd. (F&N), công ty sản xuất đồ uống thuộc sở hữu của người đàn ông giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đang tìm cách tăng cường thị phần của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á sau khi nguồn tiền của công ty phát triển tới 745 triệu USD, Bloomberg đưa tin.
Hãng tin dẫn lời giám đốc điều hành của F&N trong lĩnh vực đồ uống không cồn Lee Meng Tat cho biết mục tiêu tiềm năng mà F&N nhắm đến là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk.
Doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam là một ví dụ của những gì mà F&N muốn trong một vụ thâu tóm: một công ty sữa có thị phần cao trên thị trường, thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới phân phối mạnh mẽ.
“Tình hình lý tưởng nhất là có thể mua lại”, Lee nói. Ông đề cập đến những nỗ lực của F&N trong việc mở rộng tại Đông Nam Á, nơi mà ông nói rằng khoảng cách của công ty với 2 gã khổng lồ PepsiCo Inc. và Coca Cola Co. của Mỹ là khá xa. “Điều đó khiến chúng tôi phải tìm ra con đường nhanh hơn để chiếm lấy thị phần”, Lee chia sẻ.
Cuối tháng 6, F&N có trụ sở tại Singapore sở hữu khối tiền mặt và các khoản tương đương trị giá 725,3 triệu USD sau khi bán cổ phần của doanh nghiệp tại Myanmar Brewery Ltd vào cuối tháng 8 năm ngoái, 3 năm sau khi thoái vốn cổ phần của Asia Pacific Breweries.
Kế hoạch thâu tóm Vinamilk nằm trong chiến lược nhắm vào thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân và là nơi có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Vinamilk là công ty lớn nhất của Việt Nam nếu xét về giá thị trường. |
Đơn vị này cũng lên kế hoạch xây dựng sự hiện diện của họ tại một số thị trường khác nếu thất bại trong việc thâu tóm Vinamilk.
Theo thông tin trên Diễn Đàn Đầu Tư, Vinamilk là công ty lớn nhất của Việt Nam nếu xét về giá thị trường. Giá cổ phiếu Vinamilk liên tục phá đỉnh trong thời gian gần đây. Cổ phiếu này đã tăng mạnh từ quanh mức 140.000 đồng hồi đầu tháng 7 lên mức kỷ lục 170.000 đồng/đơn vị trong phiên giao dịch sáng 16/8.
Đáng chú ý, mới đây, VNM đã lọt vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index trong đợt cơ cấu danh mục quý III/2016. Trước đó, thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho phép Vinamilk nới room 100% cũng từng khiến giá cổ phiếu này "dậy sóng". Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VNM đã tăng gần 35% so với mức tăng 12% của VN-Index.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nắm trên 45% cổ phần tại Vinamilk. Theo đề án tái cơ cấu SCIC do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2015, SCIC sẽ thoái hết vốn Nhà nước khỏi nhiều doanh nghiệp trong đó có Vinamilk. Tuy vậy, danh mục triển khai bán vốn tại 120 doanh nghiệp của SCIC trong năm 2016 công bố hồi cuối tháng 5 lại không có tên của Vinamilk.
Cổ đông lớn thứ hai tại Vinamilk là F&N Dairy Investments, công ty con của F&N, đang sở hữu khoảng 11% cổ phần. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk đã gần chạm mức 49%.
Đại gia Thái giàu cỡ nào?
Không chỉ ở Việt Nam, công ty của tỷ phú Charoen còn đầu tư tới 745 triệu USD vào khu vực Đông Nam Á, nơi tập trung 600 triệu dân và có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Vậy Charoen Sirivadhanabhakdi là ai mà sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền đầu tư lớn như vậy? Và thực sự, tỷ phú giàu nhất Thái Lan này nắm trong tay khối tài sản kếch xù như thế nào?
Charoen Sirivadhanabhakdi, 71 tuổi, được sinh ra trong một gia đình người Thái, gốc Trung Quốc, làm nghề bán hàng rong. Ông là con thứ 6 trong gia đình 11 người con. Tỷ phú giàu nhất Thái Lan bỏ học từ năm 9 tuổi để đi làm. Trải qua nhiều biến cố, ông Charoen đã nỗ lực vươn lên từ "đáy cùng" của xã hội trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất Thái Lan.
Ông có 5 người con với vợ là bà Khunying Wanna. Các con ông đều được hưởng nền giáo dục hàng đầu ở nước ngoài. Sau khi về nước, họ đều sống cùng cha mẹ trong một căn nhà 10 tầng ở trung tâm Bangkok và làm việc cho Tập đoàn của gia đình, theo Vtc News.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (bên phải) và con trai, Thapana - hiện đang là CEO của Thaibev. |
Con trai ông, Thapana Sirivadhanabhakdi đang là giám đốc điều hành tại ThaiBev, con gái ông Wallapa là giám đốc điều hành của TCC Land, một cánh tay đắc lực của ông. Còn cậu út Panote Sirivadhanabhakdi là thành viên Hội đồng quản trị F&N.
Tỷ phú Thái Lan được nhiều người đặt cho danh hiệu "kỳ đà cản mũi" hay "người ưa phá bĩnh" khi liên tục chen ngang vào các vụ thâu tóm đình đám thế giới. Tuy nhiên, ông cũng là người sở hữu khối lượng tài sản cực lớn và dần dần vươn lên đứng đầu danh sách các tỷ phú ở Thái Lan.
Tháng 7/2013, ông Charoen nắm giữ danh hiệu người giàu thứ 2 Thái Lan với tổng tài sản lên tới 10,6 tỷ USD, song chỉ một năm sau, tỷ phú người Thái tụt xuống vị trí thứ 3. Nhưng tới năm 2015, theo tờ Nikkei, ông Charoen đã xuất sắc giành lại vị trí thứ 2 (với tổng tài sản 13 tỷ USD). Và mới đây nhất, tạp chí Forbes ngày 16/8 đã thống kê rằng tỷ phú Charoen đã vươn lên trở thành người giàu nhất Thái Lan cùng tổng tài sản lên tới 16,7 tỷ USD. Con số tài sản cực khủng này cũng khiến ông Charoen nắm giữ vị trí 50 trong top 100 người giàu nhất thế giới.
Ngoài ra, ông Charoen còn là chủ tịch của tập đoàn đồ uống Thai Beverage và công ty (F&N). Không những vậy, tỷ phú Thái còn sở hữu trung tâm mua sắm Pantip Plaza ở thủ đô Bangkok, Thái Lan; Khách sạn Plaza Athenee ở Manhattan, Mỹ; các khách sạn ở châu Á, Mỹ và Australia; cùng các tòa nhà thương mại và dân cư tại Singapore và Thái Lan.