Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh |
Những nẻo đường ASIAD
Hẳn ít người còn nhớ, ASIAD lại chính là một trong những sân chơi quốc tế đầu tiên mà Thể thao Việt Nam tham dự sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Hơn thế, tại đấu trường này, thể thao nước nhà cũng có được tấm huy chương quốc tế đầu tiên. Đó là vào năm 1982, khi đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhằm chuẩn bị cho tiến trình hội nhập, đoàn Thể thao Việt Nam với 40 thành viên đã tham gia thi đấu 3 môn: Điền kinh, bơi và bắn súng tại ASIAD tổ chức ở New Dehli (Ấn Độ).
Sau Olympic Moscow 1980, rõ ràng ASIAD 1982 cũng chỉ là lần tham gia khẳng định tư cách thành viên phong trào Olympic thế giới và châu lục của Thể thao Việt Nam, bởi những khó khăn chung của đất nước, trình độ chuyên môn thể thao đã tụt lại khá xa. Tuy nhiên, cũng chính ở kỳ Á vận hội đầu tiên đó, Thể thao Việt Nam đã làm nên kỳ tích lớn với tấm HCĐ môn bắn súng của xạ thủ Nguyễn Quốc Cường! Tấm huy chương nằm ngoài mọi dự báo.
Cũng kể từ đó, thể thao nước nhà tham dự đều đặn hơn các kỳ ASIAD và cũng dần khẳng định được vị thế của mình. ASIAD 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản), võ sĩ Taekwondo Trần Quang Hạ mang về tấm HCV đầu tiên. Tính đến nay, thành tích tốt nhất thuộc về Đại hội thể thao châu Á Busan, Hàn Quốc 2002, với 4 tấm HCV giành được ở các môn: Karate (2 HCV), Thể hình và Billiards (cùng 1 HCV).
Và đến thời điểm này, khi mà cái đích ngắm của nền thể thao quốc gia không còn dừng lại ở đấu trường khu vực với các kỳ SEA Games, thì ASIAD thực sự là cái đích ngắm chính. Tại ASIAD 2019 diễn ra tại Indonesia vào tháng 8 này, đoàn Thể thao Việt Nam có số lượng đông kỷ lục - 523 thành viên, trong đó có 352 vận động viên tranh tài ở 32 môn và phân môn (vượt xa con số 21 môn so với kỳ đại hội gần đây nhất), với mục tiêu giành 3 HCV.
"Dễ mà khó"
Nếu nhìn vào thành tích đã có được ở đấu trường châu lục và đặc biệt là nhìn vào thực lực của cả nền thể thao với những bước tiến lớn sau hơn 3 thập kỷ hội nhập với sân chơi quốc tế, rõ ràng 3 HCV không hề là thách thức quá lớn. Nhưng tại sao mục tiêu này vẫn phải kèm theo cụm từ "phấn đấu"?
Hãy bắt đầu với khả năng. Theo "tính nhẩm" của các nhà chuyên môn, Thể thao Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành mục tiêu giành 3 HCV đặt vào hơn 10 gương mặt đã vươn tới tầm châu lục và thế giới là: Xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Dương Thúy Vi (Wushu), Nguyễn Thị Ngoan (Karate), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo); Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Bùi Thị Thu Thảo, Lê Tú Chinh (điền kinh), Thạch Kim Tuấn, Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ).
Ngoài ra, ở ASIAD 2018 với việc nước chủ nhà đưa lại vào chương trình thi đấu chính thức Pencak Silat (môn quốc võ của Indonesia) cũng giúp Thể thao Việt Nam có thêm cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch rất lớn khi các võ sĩ nước ta cũng đã đạt được đẳng cấp thế giới ở môn võ thuật này. Thậm chí, nếu thành công đội tuyển Pencak Silat sẽ gánh vác trên vai nhiệm vụ giành từ 3-5 HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.
Nhưng đó là những con tính kiểu "đếm vàng... trong túi", bởi cũng từ khá lâu, Thể thao Việt Nam đã từng sở hữu những thế mạnh và cả hy vọng Vàng như thế, chỉ có điều sự khắc nghiệt của đấu trường châu lục là thứ chẳng ai ngờ. Trong 2 kỳ ASIAD gần đây nhất tại Quảng Châu, Trung Quốc 2010 và Incheon, Hàn Quốc 2104, đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được vỏn vẹn 1 HCV dù đã đặt ra chỉ tiêu giành đến 3-4 chiếc mà cũng chỉ đều "thoát hiểm" trong gang tấc.
Vậy nên mới nói, 3 HCV dễ mà khó!