LTS: Năm nay, điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm thấp đến mức thê thảm khiến nhiều người lo lắng đến chất lượng giáo dục sau này.
Trước thực trạng đó, cô giáo Phan Tuyết, một giáo viên tâm huyết với nghề và từng có nhiều bài viết cộng tác trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đưa ra một số đề xuất giải pháp nhằm thu hút nhân tài cho ngành sư phạm.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian vừa qua, dư luận đang rất quan tâm về việc đầu vào của ngành sư phạm quá thấp. Nhiều người lo ngại với chất lượng sinh viên yếu như thế thì nền giáo dục của nước nhà sẽ đi về đâu?
Nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng xem chừng bức tranh giáo dục vẫn “một màu u ám” bởi người tài ngày càng quay lưng với nghề giáo, một nghề vốn được xem là cao quý nhất.
Hình ảnh giáo viên vùng cao vượt khó, bám trường. (Ảnh: Nhandan.com.vn)
Vì sao học sinh giỏi muốn vào bộ đội, công an?
Trước thông tin học sinh đạt 30 điểm vẫn trượt ngành công an, học sinh đạt 29.75 điểm vẫn trượt Học viện Quân Y…
Đã có nhiều người đặt câu hỏi “Vì sao học sinh lại lao vào quân đội, công an nhiều như thế?” “Học sinh yêu nghề này sao?” câu trả lời nhận được chắc cũng chẳng gây bất ngờ nhiều.
Trong số hàng nghìn học sinh đăng kí vào trường quân đội, công an, có không ít em cho biết lý do mình muốn vào học những trường này lại liên quan nhiều đến vấn đề… kinh tế hơn là niềm đam mê, lòng nhiệt huyết yêu nghề.
Trong quá trình viết báo về những tấm gương học giỏi thi điểm cao năm nay, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều học sinh có nguyện vọng đi học ở trường quân đội và công an. Sau câu hỏi “vì sao em chọn ngành này?”
Em Quang một học sinh ở Thanh Hóa đạt điểm thi 29.25 (chưa cộng điểm ưu tiên vùng) cho biết:
“Em yêu ngành chế tạo máy khoa điện tử trường đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng gia đình em quá nghèo không đủ tiền nuôi ăn học. Ba mẹ khuyên em vào được Học viện Quân sự vừa không mất học phí, ra trường lại có việc làm ngay đỡ lo thất nghiệp”.
Linh cho biết, em mồ côi cha mẹ nên muốn vào trường quân đội để bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình.Em Linh cũng ở Thanh Hóa, có điểm thi 29.75 nhưng trượt Học viện Quân Y.
Và còn có hàng ngàn em học sinh cứ hỏi vì sao con thích vào trường quân đội, công an không ít học sinh nói rằng học đại học đã không mất tiền, ra trường lại có việc làm ngay.
Có thể thấy hai yếu tố để hút sinh viên giỏi vào quân đội, công an nhiều nhất vẫn chính là học phí và không lo bị thất nghiệp.
Trở lại câu chuyện về sư phạm, vốn là giáo viên trong nghề nên chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết về nghề của mình, hiểu rõ vì sao nghề “cao quý” lại bị ghẻ lạnh, quay lưng, càng hiểu được những băn khoăn, những trăn trở của nhiều học sinh dù rất yêu nghề giáo nhưng lại không muốn thi vào.
Chuyện “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã tồn tại biết bao năm qua. Trong khi ra trường muốn có một chân giảng dạy trong trường học công lập, người dạy phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cũng chưa chắc xin được.
Lương thấp, bổng lộc cũng chẳng có gì đến công việc tưởng chừng chính đáng nhất để tăng thu nhập là dạy thêm cũng bị nghiêm cấm.
Biết bao lần cải tổ tiền lương, bao lần ưu tiên phụ cấp ưu đãi, thâm niên nhưng sự thật giáo viên không sống được bằng lương vẫn là phổ biến.
Người tài, người giỏi vào sư phạm mà lương không đủ nuôi thân, nuôi gia đình trong khi áp lực của nghề lại luôn ở mức cao thì việc học sinh cứ lặng lẽ quay lưng với nghề giáo là điều dễ hiểu.
Muốn ngành sư phạm là mảnh đất màu mỡ thu hút học sinh giỏi, muốn các trường sư phạm trở nên “hót” như công an, bộ đội cũng chẳng khó gì.
Để tuyển được nhiều người tài, người giỏi thì nhất định chúng ta phải có chính sách đãi ngộ thật xứng đáng.
Thứ nhất, xóa bỏ các trường sư phạm địa phương, các khoa sư phạm ở các trường tư thục, dân lập.
Cần siết chặt việc đào tạo sinh viên ngành sư phạm để tránh tình trạng dư thừa như hiện nay.Chỉ nên duy trì một số trường sư phạm lớn ở các thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ hai, khống chế các chỉ tiêu vào sư phạm như các trường thuộc khối công an, bộ đội để sinh viên sư phạm ra trường có việc làm.
Khuyến khích sinh viên khá, giỏi được chọn trường. Đồng thời, trong thời gian học sư phạm sẽ miễn toàn bộ học phí cho các em.
Thứ ba, xếp lại mức lương thưởng, chế độ ưu đãi cho giáo viên, cho con cái của họ giống như các trường khối bộ đội, công an.
Thứ tư, tạo điều kiện cho các giáo viên giỏi (danh phong này do chính phụ huynh và học sinh tặng chứ không phải cái giỏi đạt được trong các hội thi) được dạy thêm theo tinh thần tự nguyện mà không phải cấm đoán như hiện nay.
Tuy thế để chế tài vẫn phải xây dựng mức “kỉ luật thép” để sẵn sàng cho ra khỏi ngành những thầy cô vi phạm về đạo đức nhà giáo, về việc dạy thêm tràn lan.
Với những điều làm được như trên, chắc chắn ngành sư phạm sẽ trở thành lực hút cho nhiều học sinh giỏi.