Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại nếu con mình phải học thí điểm tiếng Trung, tiếng Nga bắt đầu từ 2017. |
Cho con học quốc tế “né” học tiếng Trung, tiếng Nga
Đó là chia sẻ của chị Phi Trang, phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 2 tại trường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh). Chị Trang cho biết, con chị đang học chương trình tích hợp chi phí cũng cao. Nếu có quyết định áp dụng chính thức dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất, chị sẵn sàng bỏ thêm chi phí cho con học Quốc tế. “Thêm chi phí mà con tránh được học thêm cùng những thay đổi xoành xoạch vừa mất thời gian vừa không hiệu quả”, chị Trang bày tỏ.
Không chỉ chị Trang, nhiều phụ huynh cũng hết sức lo lắng và phản đối việc áp dụng thí điểm này. Chị Hà Anh, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 3 trong năm học tới tại một trường thuộc địa bàn Q.2 bức xúc: “Tôi kịch liệt phản đối! Tôi cũng không muốn con tôi phải làm thí nghiệm cho những thay đổi này! Bao nhiêu năm nay chỉ tập trung dạy tiếng Anh cho các bé mà còn chưa ra sao, giờ lại còn thí điểm cả tiếng Trung, tiếng Nga”.
Chị Hà Anh cũng thẳng thắn cho rằng học quan trọng phải khả năng ứng dụng. Nếu học xong mà không sử dụng được nhiều thì theo chị cùng nhiều phụ huynh khác không nên bắt các em học sinh học nhiều. Chị Anh cho biết thêm, bản thân trong gia đình từng trải qua nền giáo dục được học nhiều năm tiếng Nga nhưng đến giờ này hầu như... chẳng sử dụng vào việc gì!
Giữa rất nhiều ý kiến phản đối việc học thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung áp dụng trong năm 2017 vẫn có không ít phụ huynh tán đồng phương án cho trẻ học thêm ngoại ngữ.
Anh Đặng Quốc Tuân (Nguyễn Văn Đậu, Q. Phú Nhuận) phụ huynh có con đang học lớp 3 chia sẻ: “Thực sự năm nay, con tôi vẫn chưa phải học chương trình thí điểm tiếng Trung, Nga mà áp dụng vào năm sau nhưng tôi thấy dạy nhiều ngôn ngữ cho con là chuyện bình thường!”. Cũng theo anh, việc học nhiều ngoại ngữ rất có lợi cho các bé vì tuổi này, các bé tiếp thu rất tự nhiên, không hề bị áp lực. Anh cũng cho rằng phần nhiều phụ huynh phản đối vì đứng trên góc độ chính trị và lo sợ con học nhiều, nếu dạy cuốn hút và có phương pháp thì việc học trở nên nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cũng theo anh việc thí điểm phải nghiên cứu một cách nghiêm túc “để các bé không thành vật thí nghiệm thí điểm”.
Lo ngại con học quá nặng và thấy không hiệu quả là nhận xét chung của nhiều phụ huynh. |
Sẽ lại học thêm?
Rất đông phụ huynh chia sẻ vấn đề thí điểm tiếng Trung, tiếng Nga trên mạng xã hội nhiều ngày qua. Phần đông tỏ ý kiến phản đối gay gắt và cho rằng Bộ nên tập trung vào những vấn đề quan trọng như: nội dung chương trình học, nâng lương giáo viên,... thay vì cứ... “liên tục thay đổi với thí điểm”, một phụ huynh bức xúc.
Dù ủng hộ việc dạy nhiều ngoại ngữ cho bé nhưng anh Đặng Quốc Tuân cũng bày tỏ suy nghĩ không nên đặt ra phải bắt buộc các bé mà nên để tự chọn. “Nếu chúng ta bắt buộc theo quy định sẽ đặt nặng vấn đề và cha mẹ sẽ thấy mình áp lực khi con chưa được học những kiến thức đó thành ra lại xoay sở cho bé phải đi học thêm tiếng Nga rồi tiếng Trung cho bằng bạn bè. Đến lúc đó thì thực sự sẽ là gánh nặng cho con trẻ”. Lo lắng này không phải không có cơ sở giữa tình hình học thêm và dạy thêm đang nhiều bàn cãi hiện nay.
Không chỉ phụ huynh, chính cả những giáo viên trong nghề cũng đang khá băn khoăn bởi việc thí điểm này. Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Q.4 cho biết việc thí điểm vẫn đang rất “nóng” trong câu chuyện của phụ huynh và những người làm giáo dục. Tuy nhiên, hiện giờ trường vẫn đang dạy chương trình tiếng Anh và vẫn đang nghe ngóng những thay đổi từ Bộ.
Cô Lê Trung, giáo viên trường tiểu học Long Bình Tân, tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ: “Nếu đề án thực hiện cũng khó mà thuận lợi vì hầu hết các học sinh ở trường học tiếng Anh còn gặp khó khăn, nhiều trường còn chưa đủ phương tiện nghe, nói, đọc viết. Nếu học thêm tiếng Trung, tiếng Nga e là học sinh không cam nổi. Không chỉ riêng trường tôi dạy mà các trường khác cũng thế”.
Cũng theo cô Trung, ở cương vị giáo viên tiểu học nhiều năm trong nghề cô nhận thấy học sinh cấp 1 có nhiều khó khăn khi thí điểm. “Thời gian một tiết có 35 phút vừa tiếp thu kiến thức cũ lại thực hành làm bài tập và qua môn khác. Mỗi buổi học đều 5 tiết khác nhau chứ không như cấp 2,3 có thể dồn học 2 tiết/ buổi. Chính vì vậy sợ rằng sẽ khó khăn cho các em”, cô chia sẻ.