Môn Toán: Củng cố kiến thức trong 30 phút mỗi ngày
Năm nay, môn Toán ra đề dưới hình thức trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức nếu không sẽ rất dễ nhầm lẫn. Cách tốt nhất để có thể ghi nhớ là dành 30 phút mỗi ngày để xem lại công thức và định lí quan trọng. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể làm một quyển sổ tay Toán học cho riêng mình và mở ra xem mỗi khi làm bài tập mà chẳng may quên công thức.
Võ Minh Thiện (Thủ khoa ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2016) chia sẻ: “Mình có thói quen viết các công thức quan trọng vào cuốn sổ tay. Khi gần tới ngày thi, mỗi ngày mình dành 30 phút để xem lại công thức sau đó giải bài tập. Nếu quên lại lấy sổ tay ra vừa đọc vừa làm. Cách này giúp bạn ghi nhớ lâu và dai thay vì nhồi nhét một lần”.
22/6, các em học sinh khối 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Môn Tiếng Anh: Ôn luyện theo từng chủ đề
Việc học Tiếng anh theo chủ đề giúp học sinh hệ thống kiến thức một cách chắc chắn và rõ ràng. Bên cạnh đó, các đề thi Tiếng anh cũng có những dạng câu hỏi phân chủ đề khá rõ như hỏi về trường học, sở thích, hoạt động vui chơi…việc phân chia theo từng đề tài để học giúp đọc hiểu và nhớ được khá nhiều từ vựng liên quan với nhau.
Thạch Ngọc Thạch (Thủ khoa trường ĐH Quốc tế năm 2016) nhắn nhủ: “Ngoài việc phân chia chủ đề, bạn cũng nên ghi chú lại tất cả những cấu trúc ngữ pháp mình đã làm sai trong quá trình ôn tập. Nhờ vậy, bạn sẽ ghi nhớ tốt hơn và không lặp lại lỗi sai lần nữa”.
Môn Hóa: Vừa giải bài tập vừa nhớ công thức
Cũng như Toán hay Lý, Hoá là môn cần ghi nhớ nhiều công thức cũng như số liệu. Cô Hà Thị Kim Liên (Giáo viên môn Hoá - THPT Nguyễn Thượng Hiền) chia sẻ: “Khi thời gian không còn nhiều, các em nên liệt kê những dạng bài chính thường ra và dành thời gian để giải đề. Trong quá trình đó, công thức nào liên quan mà không nhớ thì lật ra xem lại. Vừa làm bài tập vừa ghi nhớ công thức sẽ hiệu quả hơn việc các em chỉ chăm chăm học thuộc”.
Môn Vật lý: Đặt giờ để giải bài tập
Với môn Lý, hãy thử tưởng tượng mình đang trong phòng thi và làm bài tập theo đúng thời gian quy định. Năm nay, môn Lý thi chung với Hoá và Sinh, mỗi môn có thời gian 50 phút. Do vậy, học sinh có thể chuẩn bị một không gian tốt, đặt đồng hồ 50 phút và tập trung giải. Sau đó, so sánh, đối chiếu và rút kinh nghiệm sau mỗi lần giải đề. Phần nào đã chắc chắn thì có thể dành ít thời gian hơn để ôn. Phần nào chưa chắc chắn thì cần đầu tư thêm thời gian. Phần nào chưa hiểu thì nên hỏi thêm Thầy Cô hoặc bạn bè.
Môn Sinh: Lập dàn bài
Môn Sinh là môn không chỉ học thuộc là xong mà còn phải hiểu và nắm rõ vấn đề. Do đó, cách học tốt nhất môn Sinh đó là lập dàn ý chính cho từng bài và ôn tập.
Với mỗi bài, hãy ghi ra những nội dung chính mình hiểu kèm theo dạng bài tập thường đi kèm với chương bài đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể vẽ ra các sơ đồ, biểu đồ để có thể xem lại dễ dàng khi quên.
Nắm chắc các nội dung sau: Biến dị - di truyền, tính quy luật di truyền, ứng dụng di truyền học, nguyên nhân và cơ chế tiến hóa, quần thể và quần xã, vì đây là những chương chiếm số lượng câu hỏi khá lớn trong đề thi.
Môn Sử: học theo sơ đồ tư duy
Mẹo nhanh nhất để học Sử chính là vẽ các sơ đồ tư duy. Chẳng hạn với các chiến dịch như Điện Biên Phủ, học sinh có thể liệt kê các mốc thời gian quan trọng, nội dung chính, kết quả…sau đó vẽ thành sơ đồ. Đặc biệt khi năm 2017, môn Sử thi hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm thì cách học này mang lại hiệu quả hơn hẳn.
Với những môn học bài như Sử, Văn hay Địa, học sinh nên vẽ sơ đồ tư duy để nắm vững kiến thức. Ảnh: CTV |
Môn Địa: Sơ đồ hóa kiến thức
Với các môn thi lý thuyết thì phương pháp học được ưa chuộng nhất đó chính là vẽ sơ đồ tư duy đến kiến thức nhớ được lâu và sâu. Đề thi minh hoạ môn Địa do Bộ Giáo dục và đào tạo công bố cũng cho thấy kiến thức trải đều và có tập trung chủ yếu vào kinh tế vùng miền cũng như các đô thị. Do đó khi hệ thống hoá kiến thức bằng sơ đồ tư duy, học sinh sẽ không lo lắng bị bỏ sót kiến thức.
Môn Văn: Ôn tập theo “từ khóa”
Số lượng tác giả và tác phẩm học sinh phải học là khá lớn, vì thế tốt nhất các bạn nên học theo từ khoá. Chẳng hạn, với “từ khóa” là Nguyễn Du, chúng ta có liệt kê ra tiểu sử, tác phẩm, những dạng đề văn liên quan để tham khảo, sau này khi cần tìm lại sẽ nhanh chóng nắm bắt được những ý chính, những câu hỏi quen thuộc để dễ làm bài hơn.
Đặc biệt, đối với dạng nghị luận xã hội, học sinh cũng nên chăm chỉ xem thời sự, cập nhật tin tức vì dạng nghị luận xã hội thường nêu ra các vấn đề nóng hổi, đang được quan tâm. Bên cạnh đó, khi học tập căng thẳng, việc dành ra khoảng 1 giờ để theo dõi tin tức, báo chí cũng là cách xả stress khá hay và hiệu quả.
Những lưu ý cho trước ngày thi:
|