Ngữ văn là môn duy nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các thí sinh sẽ làm bài theo hình thức tự luận. Để đạt được điểm cao ở môn này cũng là điều mà nhiều thí sinh lo lắng và mong đợi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (TP Hà Nội) trong lễ nhận bằng Thạc sĩ. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (TP Hà Nội) đã chia sẻ một số điểm mà các em cần đặc biệt chú ý trước khi bước vào làm bài thi môn này.
Theo cô Hằng Nga, để trả lời tốt các câu hỏi ở phần Đọc - Hiểu, các em thí sinh cần ôn tập kỹ về về phương thức biểu đạt của văn bản. Trong đó chú ý đến phong cách ngôn ngữ, cách thức viết đoạn văn quy nạp, diễn dịch, song hành, móc xích...
Đồng thời, các biện pháp tu từ, cách giải nghĩa từ, cách phát hiện nội dung chính của đoạn văn bản, về nhịp thơ, vần thơ, thể thơ.... các em cũng nên ghi nhớ một cách có hệ thống.
Học sinh phải nắm được cách viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ về một vấn đề xã hội nào đó. Các em nên viết theo quy tắc: Giải thích vấn đề - Phân tích các khía cạnh của vấn đề - Bàn luận, đánh giá để rút ra các bài học về nhận thức và hành động từ vấn đề. Cách hành văn (văn phong) phải trong sáng, mạch lạc và logic.
Học sinh cô Hằng Nga trong lễ bế giảng. Ảnh Đình Tuệ |
Riêng về câu nghị luận văn học, cô Hằng Nga căn dặn: "Các em phải nắm chắc kiến thức về tác phẩm trong chương trình lớp 12. Biết cách phân tích đề, cách lập dàn ý, tìm ra những luận điểm cơ bản cần trình bày trong bài làm sao cho phù hợp với yêu cầu của đề bài".
Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Hằng Nga cũng nêu rõ, các em cần chú ý để biết cách phân tích tác phẩm văn học để chứng minh cho một nhận định nào đó về tác phẩm văn học mà đề bài đưa ra. Với thơ thì các em phải thuộc thơ. Phải nhớ rõ các đơn vị kiến thức về nội dung cũng như về nghệ thuật liên quan đến bài thơ đó. Biết cách hành văn lôi cuốn, sáng rõ.
"Các em cần tránh tuyệt đối kiểu 'chém gió' về nội dung tác phẩm theo trí nhớ mang máng của minh. Những bài làm kiểu 'chém gió' như vậy điểm thường sẽ rất thấp. Điều cốt yếu là các em cần chủ động ôn tập thật kỹ các kiến thức cơ bản, làm bài với tinh thần thoải mái, tự tin thì mức điểm khá trở lên hoàn toàn có thể đạt được", cô giáo Hằng Nga chia sẻ thêm.
Đề thi thử nghiệm lần thứ 3 môn Ngữ văn THPT quốc gia 2017 do Bộ GD&ĐT mới công bố.
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điều xung quanh. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Tại sao...? Tại sao không...?” và thử tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi đã biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”. Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới.
Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao. Dù bạn chọn cho mình bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó mới thôi. Đừng chỉ “chạm đến một lần rồi bỏ xó”. Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần trong cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và vươn ra biển lớn.
(Trích Tìm kiếm niềm đam mê, theo Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017, tr17-18).
Câu 1. Ở mỗi đoạn văn trên đây, tác giả đã sử dụng cách trình bày nào trong các cách sau: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành?
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta sẽ có được lợi ích gì khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”?
Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng “Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân”?
Câu 4. Theo anh/chị, cần làm thế nào để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu “trở thành một phần trong cá tính”?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng.
Bằng cảm nhận của mình về nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
‘Coi chừng thí sinh bị sốc và áp lực tâm lý’
Theo một số giáo viên, việc các thí sinh phải làm 3 phân môn với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong bài thi tổ hợp ... |