Các hãng bay trên thế giới và ở Việt Nam như Vietjet Air, Vietravel Airlines hay Bamboo Airways thường tung ra một số chương trình khuyến mãi, cho phép hành khách mua vé máy bay với giá rẻ 49.000 đồng, 36.000 đồng hay thậm chí là 0 đồng/vé.
Cần lưu ý rằng mức giá này chưa bao gồm các loại thuế và phí đi kèm như phí quản trị, phí soi chiếu an ninh, phí sân bay, thuế VAT và các thuế khác. Hãng hàng không thu và giữ luôn phí quản trị, còn với các loại thuế phí khác thì hãng chỉ thu hộ Nhà nước hoặc cảng hàng không.
Tổng giá trị các loại phụ thu liên quan là khoảng 450.000 đồng. Ví dụ với một vé máy bay Bamboo Airways khởi hành ngày 3/4/2021 dưới đây, giá vé khuyến mãi là 49.000 đồng, phí quản trị mà Bamboo thu và giữ lại là 320.000 đồng, Bamboo thu hộ cảng hàng không 100.000 đồng, và thu thuế hộ Nhà nước 37.000 đồng.
Như vậy, số tiền mà hãng bay thu được không chỉ có giá vé mà còn bao gồm phí quản trị hệ thống. Ngoài ra, tiền thu hộ các loại phí và thuế cũng là một nguồn thanh khoản tạm thời quan trọng trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn.
Đã có trường hợp hãng hàng không thu hộ rồi chiếm dụng vốn, khiến cho cảng hàng không phải nhiều lần gửi công văn đòi tiền.
Tính đến ngày 31/12/2020 vừa qua, Vietnam Airlines đang nợ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) 663 tỷ đồng, Vietjet nợ 735 tỷ đồng và Bamboo Airways nợ 326 tỷ đồng.
Hiện nay Nhà nước không quy định giá sàn và thực tế các hãng đã tung ra nhiều chương trình vé 0 đồng.
Trong buổi làm việc với Cục Hàng không mới đây, Vietnam Airlines đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay tùy theo cự ly của các chuyến bay nội địa.
Khoảng cách bay | Đề xuất giá sàn của Vietnam Airlines |
Dưới 500 km | 414.000 đồng/vé |
500 – dưới 850 km | 570.000 – 787.000 đồng/vé |
850 – dưới 1.000 km | 750.000 – 1,1 triệu đồng/vé |
1.000 – dưới 1.280 km | 804.000 – 1,19 triệu đồng/vé |
Từ 1.280 km trở lên | 917.000 – 1,4 triệu đồng/vé |
Chính Vietnam Airlines cũng nhiều lần hạ giá và tung ra các chương trình khuyến mãi như 1 triệu vé 88.000 đồng có thời gian khởi hành từ 19/2 đến 31/12/2021.
Chuyên gia hàng không, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines muốn áp giá sàn. Lần đầu tiên vào tháng 4/2017, Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải đã bác bỏ đề xuất của Vietnam Airlines và lần này cũng không có lý do gì để chập thuận, ông Tống nói.
Thực tế trước đây khi Vietnam Airlines còn một mình một chợ, giá vé rất đắt và đi máy bay là một trải nghiệm xa xỉ không mấy người có được. Từ khi có sự cạnh tranh của các hãng bay tư nhân, giá vé đã phải chăng hơn rất nhiều, và số người được di chuyển bằng máy bay cũng tăng lên nhanh chóng.
Áp giá sàn sẽ là một bước lùi dài đối với thị trường hàng không nước nhà. "Mức giá sàn mà Vietnam Airlines đưa ra rất cao, nếu áp dụng thì nhiều người không được đi máy bay", TS. Nguyễn Thiện Tống nói.
Theo báo Tuổi trẻ, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đề xuất áp dụng giá sàn cao là để đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, PGS. TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng không thể coi một số chương trình khuyến mại này là hành vi bán phá giá: " Số lượng vé 0 đồng là rất ít, các hãng bán phần lớn số vé với giá bình thường, lấy lợi nhuận từ vé giá cao hơn để bù lỗ cho vé giá thấp hơn".
Quả thực, điều kiện áp dụng với các vé 0 đồng khá ngặt nghèo và không nhiều người đáp ứng được. Chẳng hạn, khách hàng phải đặt vé vào một số giờ cố định trong một số ngày, không áp dụng với chuyến bay trong các đợt lễ Tết cao điểm, phải đặt vé cả tháng trước khi bay, không được đổi trả, không được hoàn vé, không được đổi ngày bay hoặc phải trả phí để đổi, …
Đúng là tiền nào của nấy. Hành khách muốn có sự tiện nghi, thoải mái, được tùy ý lựa chọn thì sẽ cần chi nhiều tiền hơn cho tấm vé của mình. Hành khách nào có ngân sách eo hẹp hơn và không ngại các điều kiện mà hãng đặt ra thì cứ việc "săn sale".
Sự chênh lệch về giá giữa các vé không chỉ phản ánh vị trí ngồi ở khoang Hạng nhất, Thương gia hay Phổ thông mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngày bay, giờ bay, thời gian đặt vé, ...
Cùng một tuyến Hà Nội - Sài Gòn nhưng bay vào ngày giữa tuần giá vé khá rẻ, bay vào cuối tuần đắt hơn tương đối và bay vào dịp lễ Tết thì giá lên cao cắt cổ.
Cùng một tuyến, cùng một ngày nhưng bay vào lúc nửa đêm gà gáy thì giá cực bèo, còn bay vào khung giờ đẹp như giữa buổi sáng thì giá lại rất chát.
Thậm chí trên cùng một chuyến bay, nếu đặt vé trước cả tháng thì giá vé hết sức ưu đãi, còn nếu đến phút chót mới mua vé thì tốn cả một gia tài. Vậy nên mới có chuyện hai hành khách ngồi sát cạnh nhau trên một chuyến bay nhưng giá vé chênh nhau một trời một vực.
Thị trường vé máy bay là minh chứng cụ thể cho định lý "giá được quyết định bởi tương quan cung cầu" chứ không phải bởi chi phí. Rõ ràng, lượng nhiên liệu, đồ ăn, thức uống, ... cho mỗi hành khách là tương đương nhau nhưng giá vé lại có thể rất khác nhau.
Giao dịch vé máy bay được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán giữa hai bên và tuân theo sự hướng dẫn từ "bàn tay vô hình của thị trường". Trong những giai đoạn ế ẩm, tàu bay trống trơn, các hãng đương nhiên phải hạ giá để hút khách. Hạ giá đến đâu là tùy vào năng lực của mỗi hãng.
Ai kiểm soát chi phí tốt hơn, chịu được giá thấp hơn thì hạ xuống sâu hơn và sẽ được người tiêu dùng sẽ ưu ái hơn. Các hãng có thể lỗ với một số vé, một số chuyến bay, nhưng điều đó chưa đủ để xác định hành vi bán phá giá.
"Nhất thời lỗ một vài chuyến bay thì không sao. Chỉ khi nào các hãng lỗ triền miên, liên tục trên một đường bay mà vẫn tiếp tục bán vé giá thấp để độc chiếm thị trường thì mới là dấu hiệu bán phá giá. Nhưng khi đó, áp giá sàn cũng không phải là cách giải quyết mà cần phải mở cuộc điều tra chống bán phá giá", TS. Nguyễn Thiện Tống nói.
Khi nước ngoài cáo buộc Việt Nam bán phá giá mặt hàng nào đó, họ cử người sang điều tra xem sản xuất thế nào, chi phí ra sao mà có thể bán với giá thấp. Đối với ngành hàng không cũng cần làm như vậy, ông Tống nhận định thêm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam xưa nay vẫn áp dụng giá sàn. Hệ quả là nhà đầu tư thường xuyên chứng kiến những phiên "múa bên trăng" (trắng bên mua), tức là giá cổ phiếu giảm kịch sàn và không có giao dịch. Bên mua muốn được mua với giá thấp hơn, bên bán sẵn sàng bán với giá rẻ hơn, nhưng hai bên không đến được với nhau vì quy định giá sàn.
Nếu áp giá sàn vé máy bay, thị trường hàng không cũng sẽ méo mó tương tự. Hành khách muốn bay với vé rẻ, các hãng sẵn sàng hạ giá nhưng lại vướng sàn. Hậu quả là hành khách không được bay, còn tàu bay thì nằm đắp chiếu hoặc cất cánh với nhiều hàng ghế trống.
Lịch sử hàng không thế giới đã có những vụ bán phá giá để triệt hạ đối thủ, nhưng chiến lược này thường được áp dụng bởi các hãng bay lớn, có tiềm lực khủng.
Vào khoảng năm 2000, Air Canada đang độc quyền khai thác các đường bay từ Halifax đến St. John's, Montreal hay Ottawa, giá vé thường cao tới trên 600 USD/chiều.
Sau đó, hai hãng bay giá rẻ là WestJet và CanJet gia nhập thị trường và hạ giá vé xuống còn 89 USD. Air Canada cảm thấy vị thế của mình bị đe dọa nên vào tháng 2/2021 cũng hạ giá xuống 89 USD dù phải chịu lỗ nặng.
Khi giá vé ngang nhau, hành khách đương nhiên sẽ ưu tiên chọn hãng bay cao cấp Air Canada chứ không phải hai hãng giá rẻ. WestJet và CanJet có nguy cơ bị đánh bật khỏi đường đua. Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh Canada xác định Air Canada đang bán phá giá và yêu cầu dừng ngay việc bán dưới giá vốn.
Ở Việt Nam, hãng bay lớn nhất, có tiềm lực mạnh nhất, được Nhà nước ưu đãi nhất chính là Vietnam Airlines. Cho đến nay, Vietnam Airlines là hãng duy nhất được phê duyệt cơ chế để vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và phát hành cổ phiếu để huy động 8.000 tỷ đồng.
Nếu hãng nào đó có tiềm lực để chịu lỗ và bán phá giá thì chắc không phải là Vietjet Air và Bamboo Airways.