Thi tuyển thiết kế làm cầu sông Đuống gần 1.900 tỷ đồng

Dự án đường cầu đường sắt Đuống có tổng mức đầu tư 1.877 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

Ban Quản lý dự án (QLDA) 6 vừa có thông báo tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Đuống đường bộ và cầu Đuống đường sắt thuộc Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) theo hình thức thi tuyển rộng rãi trong nước.

Thời gian phát hành hồ sơ mời thi tuyển từ 8h ngày 17/12/2021 đến trước 8h ngày 17/1/2022.

Địa chỉ phát hành hồ sơ mời thi tuyển tại Ban quản lý dự án 6, ô D20, đường Tôn Thất Thuyết, Khu Đô thị mới Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Thi tuyển thiết kế làm cầu sông Đuống gần 1.900 tỷ đồng - Ảnh 1.

Vị trí cầu Đuống hiện tại. (Ảnh: Hạ Vũ).

Về phương án thiết kế, đối với đường sắt, điểm đầu tuyến tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km9+010, điểm cuối tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km 10+220; tổng chiều dài đường sắt nghiên cứu khoảng 1.260 m, khổ đường 1.000 m và 1.435 m. Phần cầu dài khoảng 330 m.

Điểm đầu đường bộ tại nút giao đầu cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa bàn quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa bàn thị trân Yên Viên, huyện Gia Lâm; tổng chiều dài nghiên cứu khoảng 750 m.

Đối với đường thủy nội địa, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Đuống tại khu vực xây dựng cầu Đuống đường sắt và đường bộ, chiều dài dự kiến xây dựng mỗi bờ sông khoảng 500 m.

Dự kiến tổng mức đầu tư công trình 1.877 tỷ đồng, bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2025.

Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý dự án 6 đã có tờ trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).

Theo tờ trình, dự án trên sẽ xây mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5 m và xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt.

Cũng theo Ban Quản lý dự án 6, do cầu đường sắt hiện tại không đảm bảo tĩnh không và bề rộng khoang thông thuyền nên đơn vị đã đề xuất ba phương án nghiên cứu.

Thứ nhất là xây mới đoạn đường sắt quốc gia Vành đai phía Đông dài khoảng 59 km (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Thường - Bắc Hồng), không khai thác khu gian từ Gia Lâm - Yên Viên, tháo bỏ cầu Đuống hiện tại.

Thứ hai là xây dựng cầu mới phía thượng lưu cách cầu cũ khoảng 16,5 m tại vị trí quy hoạch tuyến Line 1, nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75 m đảm bảo thông thuyền đạt cấp II tĩnh không hạn chế với BxH = 50 m x 7 m.

Thứ ba là giữ cầu hiện tại, cải tạo làm mới kết cấu nhịp, làm mới hệ thống nâng hạ nhịp chính khoang thông thuyền, đảm bảo đạt cấp II (B x H) = 50 m x 9,5 m.

Ban Quản lý dự án 6 cho biết cả ba phương án đầu tư cầu đường sắt đều phải đầu tư hoàn trả cầu Đuống đường bộ đi chung đường sắt và kiến nghị chọn phương án 2.

Theo phương án 2, cầu Đuống đường bộ sẽ có điểm đầu tuyến tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km9+010, điểm cuối tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km10+090.

Tổng chiều dài đường sắt nghiên cứu khoảng 1.080 m, trong đó chiều dài xây dựng cầu là khoảng 325 m.

Cũng giống như cầu Long Biên, cầu Đuống hiện tại được thiết kế là cầu đường sắt. Hai bên là làn đường cho các phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đi lại, còn đường sắt chạy chính giữa cầu.

Vì là cây cầu huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm nên hàng ngày lượng phương tiện lưu thông qua cầu rất lớn. Sau một thời gian dài sử dụng, công trình đã xuống cấp trầm trọng.

chọn
Mời đầu tư 4 khu đô thị 22.000 tỷ ở Cam Lâm
Tỉnh Khánh Hòa sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho 4 khu đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm vào tháng 12/2024.