Đây là một trong những điểm mới trong Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để xin góp ý mới đây.
Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn
Phân loại đầu vào tốt hơn
Theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Các chỉ thị và công văn trước đó của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: “Không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”. Suốt 3 năm qua, các trường THCS tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm học bạ; các bằng khen, giấy khen, giải thưởng, chứng chỉ ở bậc tiểu học là những tiêu chí phụ để xét tuyển.
Phương thức xét tuyển này đặc biệt gây khó cho các trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu trường có thể tuyển. Từ thực tế tuyển sinh của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, PGS. Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mọi năm xét tuyển dựa vào điểm học bạ, giấy khen, bằng khen ở bậc tiểu học. Tôi không nói những kết quả đó không thật tin cậy, nhưng trên thực tế, điểm 10 ở một trường trọng điểm có khác so với điểm 10 ở khu vực khác; bởi vậy việc tuyển sinh có sai lệch”.
Ông cho biết, qua mấy năm không thi tuyển, xảy ra tình trạng học sinh có mặt bằng đầu vào như nhau, nhưng khi vào học lại chênh lệch nhau nhiều. Em đứng đầu lớp và cuối lớp có học lực khác xa nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học.
“Học sinh giỏi học cùng các bạn kém quá cũng nản. Ngược lại, học sinh kém không theo kịp các bạn giỏi cũng nản. Đặc biệt, phụ huynh có con học lực tốt phản ứng vì bài học phải chậm lại để các bạn ở top dưới theo kịp”.
Một khó khăn nữa với nhiều trường khi không được phép thi đầu vào là khi trường có nhiều hệ đào tạo, trong đó có những hệ đòi hỏi học sinh phải có năng lực vượt trội. Nhưng khi lấy cào bằng đầu vào, các trường không thể chọn học sinh vào các lớp đó được. Đây cũng là một thực tế ở Trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Hướng giải quyết của nhà trường là cứ sau một học kỳ, trường lại cho kiểm tra lại để sắp xếp lại lớp theo trình độ đào tạo để tổ chức dạy học hiệu quả hơn.
Theo ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy, địa bàn tập trung nhiều trường điểm, chất lượng cao của TP. Hà Nội, phương án sửa đổi này của Bộ là phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.
Ông cho rằng, các thí sinh nộp hồ sơ vào các trường chất lượng cao chủ yếu có thành tích hoc tập tốt nên khiến các trường rất khó phân loại.
“Thực tế tuyển sinh ở những trường học sinh đăng ký đông, số bằng điểm nhau rất nhiều. Ví dụ, có trường hợp, nếu lấy 240 điểm có khoảng 100 học sinh, nhưng tăng lên 241 điểm thì chỉ còn 10 học sinh. Như vậy, lấy mức điểm 240 thì thừa, lấy lên đến 241 lại thiếu. Trường hợp đó năm nào cũng xảy ra” - ông Phạm Ngọc Anh chia sẻ.
Từ thực tế này, Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy nhất trí với Thông tư sửa đổi và cho rằng, nếu đi vào thực tiễn, đây sẽ là quy định tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
Hạn chế “chạy giải thưởng”
Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn
Từ khó khăn trong việc phân loại học bạ để xét tuyển, các trường thường tìm cách lấy thêm các tiêu chí khác để đưa vào xét bổ sung, như thành tích các cuộc thi, tham gia các hoạt động; thậm chí tiêu chí là lớp trưởng, chi đội trưởng cũng được đưa vào.
“Thành ra, thay vì thi tuyển sinh ở một trường nào đó, bố mẹ lại dắt con đi thi đủ các loại kỳ thi khác nhau suốt năm, nhằm tích luỹ các giải, các chứng chỉ... Thậm chí không đạt giải thì chạy giải. Cũng có trường còn tính đến phương án... bốc thăm” – nhà giáo Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nêu thực tế.
Vì thế, ôngcho biết, ông rất quan tâm và ủng hộ phương án sửa đổi được Bộ đưa ra trong Dự thảo. “Từ xưa đến nay, tuyển người vào việc gì đó thường có 3 cách: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Cứ để tự nhiên, cả 3 cách tuỳ thuộc tình hình thực tế từng nơi, từng lúc mà vận dụng. Cấm một cách nào đó sẽ được cái này nhưng mất cái khác!”
Đồng quan điểm, NGƯT Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp cho biết ông rất mừng và đã trao đổi với ban giám hiệu về sự thay đổi này.
Các năm trước đây, trường Lômônôxốp cũng xét tuyển bằng việc lấy tổng điểm kiểm tra định kì cuối năm học của 5 năm học tiểu học kết hợp với điểm cộng khuyến khích khi học sinh có giải thưởng (giải tiếng Anh, Toán qua mạng; giải văn nghệ, thể dục thể thao; giải thi vẽ tranh…). Tuy nhiên, theo ông, trên thực tế các giải thưởng này vẫn chưa đạt được yêu cầu chính xác, công bằng, khách quan.
“Nhà trường chịu nhiều sức ép khi số học sinh nộp đơn vào xin lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, khiến Ban giám hiệu rất vất vả. Nếu không làm chặt chẽ dễ có hiện tượng tiêu cực. Nếu cho phép xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh sẽ giải quyết dễ hơn nhiều” – NGƯT Nguyễn Phú Cường cho hay.
Thi thế nào để không sinh ra “lò luyện”?
Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn
Trước lo ngại hình thức xét tuyển kết hợp thi tuyển sẽ dẫn đến tình trạng ôn thi, luyện thi, NGƯT Nguyễn Phú Cường cho rằng, để giải quyết chuyện này cần phải cải cách việc thi đánh giá. Yêu cầu đặt ra với thí sinh sẽ không chỉ căn cứ vào việc giải toán đúng, viết đúng ngữ pháp hay viết văn hay, mà còn có những phần đánh giá năng lực khác (kiểm tra qua phỏng vấn hay trắc nghiệm).
GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – lấy ví dụ về việc một số trường đã khắc phục được băn khoăn nói trên. “Ví dụ như Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) đã tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận. Việc đánh giá năng lực mà trường này thực hiện gần như bài phỏng vấn, kiến thức tổng hợp bằng Tiếng Anh. Với những bài thi như vậy, học sinh có đi học thêm cũng không làm được”.
Trong khi đó, PGS Đặng Quốc Thống đưa giải pháp: nên cho các trường tuyển sinh ngay sau khi kết thúc năm học từ 10-15 ngày. Với thời gian đó, học sinh không có thời gian luyện thi và cũng không cần luyện thi. Bài thi sẽ là một bài kiểm tra nhẹ nhàng để phân biệt trình độ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Ngọc Nghị - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) – cho rằng, những trường có tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đầu vào lớp 6 cần phải tính toán phương án sao cho nhẹ nhàng, tránh gây áp lực cho các em học sinh. Vì ở cấp tiểu học hiện nay việc học đã được giảm tải đáng kể, áp lực điểm số cũng được hạn chế mức thấp nhất.
“Quan trọng nhất trong việc đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh tích lũy được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể. Chủ đích của việc đánh giá này là để kiểm tra cách các em sử dụng những tri thức học được trên ghế nhà trường vào trong bài thi của mình, chứ không phải quá chú trọng vào điểm số”.