Thời của bất động sản sân golf đang tới?

Dù là một trong những nước có thị trường golf tăng trưởng nhanh bậc nhất tại châu Á và thế giới, nhưng số lượng sân golf đang hoạt động tại Việt Nam hiện chỉ khoảng dưới 80 sân. Điều này khiến cho bất động sản sân golf thuộc diện "hàng hiếm" trên thị trường và có nhiều dư địa để phát triển.

Theo số liệu thống kê gần nhất của R&A dựa trên dữ liệu toàn cầu, Việt Nam hiện có 78 sân golf đã đi vào hoạt động và 43 sân khác đang hoàn thiện. Cả nước có khoảng 70.000 người chơi golf và hàng năm thu hút 35.000 người từ nước ngoài đến chơi và sử dụng các dịch vụ đi kèm.

Vài năm trở lại đây, golf không xuất hiện riêng lẻ mà được chủ đầu tư kết hợp cùng loại hình khách sạn, nhà phố, biệt thự với mục đích lưu trú, giải trí, nghỉ dưỡng; đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng và nhà đầu tư.

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian gần đây, nhiều dự án, kế hoạch phát triển sân golf và bất động sản sân golf "rục rịch" trở lại.

Theo ghi nhận của người viết, chỉ riêng từ đầu năm 2022 cho đến nay, xuất hiện hàng chục thông tin mời gọi đầu tư, quy hoạch hoặc triển khai làm sân golf tại các tỉnh thành.

Nhiều địa phương vốn không có nhiều lợi thế và kinh nghiệm về phát triển du lịch cũng đã bắt đầu quan tâm đến mô hình này, cho thấy sức hút và tiềm năng phát triển rộng rãi trên thị trường.

Bất động sản sân golf có giá bán trung bình khoảng 15 tỷ/sản phẩm, cao hơn từ 10 - 15% so với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp khác. (Ảnh minh họa: Golftimes.vn). 

Loạt tỉnh thành mời gọi đầu tư dự án golf

Gần đây nhất, tỉnh Bình Định đã công bố danh mục dự án cần tìm nhà đầu tư đối với Khu biệt thự nghỉ dưỡng Học viện Golf tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn thuộc Tiểu khu 3 (tiểu khu du lịch đặc thù), Khu đô thị du lịch Nhơn Hội (Phân khu 3), Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Dự án có quy mô 19,82 ha, gồm 332 biệt thự nghỉ dưỡng, sức chứa khoảng 1.328 khách du lịch. Sản phẩm, dịch vụ là khu thương mại, dịch vụ nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu người chơi golf và du khách với tổng vốn đầu tư hơn 1.809 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 3 này, tỉnh Thái Nguyên đã thông báo tìm chủ cho dự án sân golf tại xóm Nhe và xóm Na Lang, vùng Hồ Suối Lạnh, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên. Quy mô sân golf 18 lỗ trên diện tích 55,41 ha, tổng mức đầu tư 387,55 tỷ đồng, tương đương 16,777 triệu USD. Theo đúng kế hoạch dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý IV/2023.

Vào tháng 2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf tại xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên. Diện tích dự án là 480 ha, quy mô dân số 40.000 người.

Trước đó, CTCP D&N Group có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên đề xuất khảo sát và lập quy hoạch chi tiết làm dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng với các hạng mục chính như: Cụm căn hộ khách sạn và resort 5 sao, khu phức hợp và trung tâm giải trí, phố thương mại đa quốc gia, sân golf 36 lỗ, khu dưỡng lão cao cấp và nhà phố thương mại...

Tương tự, tỉnh Bắc Giang công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, trong đó bổ sung thêm 10 sân golf mới. Theo đó, trong 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí được quy hoạch có 13 sân golf, gồm ba sân đang triển khai và 10 sân golf mới.

Các khu quy hoạch mới có sân golf gồm: Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao Nham Biền (hai sân golf, TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng); Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao (huyện Lạng Giang); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối Nứa (huyện Lục Nam); Khu sân golf Yên Thế tại hồ Cầu Rễ (huyện Yên Thế); Khu sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Núi Dành (huyện Tân Yên); Khu sân golf Yên Hà (huyện Yên Dũng, Việt Yên); Khu sân golf và nghỉ dưỡng Lục Nam (huyện Lục Nam); Khu sân golf Tây Yên Tử (huyện Sơn Động).

Các "ông lớn" ráo riết tìm cơ hội

Hiện nay có không ít ông lớn bất động sản tham gia đầu tư vào các tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng, dịch vụ, sân golf.

Đơn cử trong tháng 1, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH MDA E&C - một doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư sân golf và khu nghỉ dưỡng sinh thái Glory tại thị xã Phổ Yên.

Tại Hải Dương, CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng đề nghị UBND tỉnh này chấp thuận cho thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái quy mô 385 ha thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc và xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang.

Trước đó, Hòa Phát và KDI Holdings cũng đề xuất đầu tư loạt dự án hơn 2.800 ha tại Khánh Hòa, trong đó có khu đô thị dịch vụ sân golf ở thị xã Ninh Hoà.

Cuối năm 2021, CTCP Tập đoàn T&T trình UBND tỉnh Quảng Trị phương án lập quy hoạch dự án khu Tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ với quy mô 615 ha. Trong đó sân golf 36 lỗ với diện tích trên 145 ha và diện tích biệt thự sân golf hơn 19 ha.

UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định cho CTCP Tập đoàn FLC đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy quy mô 150,33 ha tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy. Quần thể bao gồm sân golf 36 lỗ (140 ha), khách sạn 5 sao với 200 phòng (2,3 ha), trung tâm hội nghị (2,3 ha) và khu resort với 100 căn bungalow (4,7 ha). Tổng mức đầu tư của dự án là 2.883 tỷ đồng. Theo kế hoạch, khách sạn, resort, trung tâm hội nghị được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2024; sân golf và công trình phụ trợ đi vào hoạt động từ tháng 8/2026.

CTCP Tập đoàn FLC cũng cho biết dự kiến khởi công dự án FLC Mega City Bạc Liêu trong tháng 4 tới. Đây là khu phức hợp kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và đô thị sinh thái với quy mô hơn 400 ha, tại hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Theo kế hoạch, dự án gồm tổ hợp sân golf, khách sạn 5 sao, khu resort, hệ thống công viên giải trí quy mô trong nhà và ngoài trời, trung tâm thương mại. Trong đó, sân golf có quy mô gần 80 ha; tổ hợp resort sinh thái nghỉ dưỡng gồm khách sạn 5 sao (6 – 9 tầng), các bungalow, nhà hàng, spa, trung tâm hội nghị và club house.

Đầu tháng 1, tập đoàn này đã FLC khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tại TP Việt Trì trị giá 10.000 tỷ đồng. Đây là dự án đô thị sinh thái sân golf đầu tiên của Phú Thọ.

Trước đó, FLC cũng đã xây dựng nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng sân golf tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định,...

"Tiềm năng bất động sản sân golf tại Việt Nam rất lớn"

Nhận định về bất động sản sân golf, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, tiềm năng của phân khúc này tại Việt Nam trong tương lai rất lớn.

Chuyên gia cho rằng, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng do sự tăng trưởng kinh tế liên tục nhiều năm qua. Theo dữ liệu từ một nghiên cứu gần đây của World Data Lab (Anh), đến năm 2030 sẽ có thêm 23 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, đưa Việt Nam trở thành nước có số lượng người thuộc nhóm này cao thứ ba Đông Nam Á. Tốc độ gia tăng của nhóm người siêu giàu tại Việt Nam trong giai đoạn sắp tới nhiều khả năng cũng cao lên. Số lượng người sở hữu tài sản giá trị trên 1 triệu USD sẽ đạt khoảng 26.000 người.

"Yêu cầu về không gian sống của những người thuộc tầng lớp trung lưu và siêu giàu cũng trở nên khắt khe hơn. Trong đó, yêu cầu liên quan đến sức khỏe, môi trường sống sẽ được quan tâm bậc nhất. Xét về khía cạnh này, bất động sản sân golf rất phù hợp khi tự thân không gian sân golf với cảnh quan, mảng xanh rộng khiến chất lượng không khí, môi trường trong lành, dễ chịu hơn. Chủ nhân của các bất động sản quanh sân golf sẽ như được sống trong một "ốc đảo", phần nào tách biệt với ồn ào và khói bụi của nhịp sống đô thị, từ đó mà có được chất lượng cuộc sống tốt hơn", ông David Jackson phân tích.

Về phương diện đầu tư, loại hình bất động sản này cũng là một lựa chọn tốt xét về khả năng tăng giá và mức độ hiếm hoi trên thị trường. Dù là một trong những nước có thị trường golf tăng trưởng nhanh bậc nhất tại châu Á và thế giới nhưng số lượng sân golf đang hoạt động tại Việt Nam hiện chỉ khoảng dưới 80 sân. Điều này khiến cho bất động sản sân golf thuộc diện "hàng hiếm" trên thị trường. Vì vậy các sản phẩm trong phân khúc này có thể có giá cao hơn 10 - 25% so với các dòng bất động sản nghỉ dưỡng khác.

Về thanh khoản, trong các thị trường thì bất động sản sân golf gần các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và các địa điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Sầm Sơn, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu hay Phú Quốc được chú ý nhiều hơn.

Theo chuyên gia đến từ Colliers Việt Nam, những người có tài sản khoảng vài chục tỷ đồng trở lên có thể là nhóm khách hàng chính yếu của phân khúc bất động sản sân golf. Họ thường sẽ mua loại hình này với mục đích làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình hoặc đầu tư.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến những doanh nhân có "tình yêu" với bộ môn golf, những người muốn có không gian sống cạnh nơi họ được thoả đam mê và kết nối công việc, lại vừa có môi trường sống tốt cho sức khỏe - một xu hướng được lưu tâm sau đại dịch.

"Mức độ nổi tiếng của sân golf, môi trường sống, cảnh quan, tiện ích, kết nối giao thông và đà tăng trưởng của khu vực xung quanh là những yếu tố quan trọng mà người mua nên tìm hiểu vì có liên quan đến giá trị và tiềm năng tăng giá của bất động sản. Tất nhiên, uy tín của chủ đầu tư và các yếu tố pháp lý luôn cần phải được tìm hiểu kỹ lưỡng", ông David Jackson kết luận.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.