Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, vốn trong dân rất lớn, nếu dân có niềm tin thì giúp đất nước phát triển. Ông lấy ví dụ về việc hiến 5.000 lượng vàng của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô. Còn hiện tại vốn trong dân là “vốn chết”. "Thống đốc có giải pháp gì để huy động?", đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Công Nhường. |
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang khá lớn, nếu huy động được sẽ giúp có thêm nguồn lực đưa vào sản xuất kinh doanh.
"Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động nguồn lực này?", ông hỏi.
Giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực.
"Trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, để thị trường có tác động gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế", Thống đốc nói.
Cũng theo thống đốc, ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VND.
"Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt", thống đốc khẳng định.