Thông tin dịch tả châu Phi vừa xuất hiện ở Đồng Nai, giá heo hơi từ hơn 40.000 đồng rớt chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg

Sau thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai, không chỉ tại vùng nuôi 2,5 triệu con heo này bị ảnh hưởng mà người chăn nuôi ở các tỉnh xung quanh cũng đang khóc ròng vì giá rớt thê thảm, thương lái từ chối thu mua.

Giữa tháng 2, thông tin dịch tả heo châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, giá heo hơi miền Nam bị ảnh hưởng và rớt dần, từ mốc cao nhất khoảng 55.000 đồng/kg đến cuối tháng 4 còn hơn 40.000 đồng. Ngày 6/5, khi 2 huyện của Đồng Nai xuất hiện dịch tả châu Phi thì giá heo hơi ngay lập tức giảm sâu, hiện chỉ còn dưới 35.000 đồng/kg nhưng thương lái không thu mua.

Thương lái không mua, giá heo hơi giảm mạnh 

Vài ngày trước đây, ông Lý Văn Hương - chủ trang trại hàng nghìn con heo ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, cảm thấy lo lắng trước thông tin thương lái cho rằng dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở Đồng Nai.

Thông tin dịch tả châu Phi vừa xuất hiện ở Đồng Nai, giá heo hơi từ hơn 40.000 đồng rớt chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg  - Ảnh 1.

Người chăn nuôi đang lo lắng vì heo hơi rớt giá nhưng thương lái không thu mua. (Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).

Hoang mang, ông Hương tranh thủ gọi thương lái bán bớt đàn heo lỡ (heo chưa đến tuổi xuất chuồng) cùng heo thịt, nhưng sáng nay, ngày 7/5, chủ trang trại này cho hay thương lái trả lời do dịch tả heo châu Phi nên đã dừng mua.

"Hôm qua, các thông tin dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai xuất hiện nên sáng nay họ quyết định không bắt heo nữa. Nếu thương lái chặn hết đường ra thì người chăn nuôi chúng tôi không biết tính toán sao". Ông Hương nói và tỏ ra lo lắng với đàn heo hiện tại, dù Bình Thuận không có dịch, công tác tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh được các hộ nuôi thực hiện rất quyết liệt, nghiêm ngặt nhiều tháng qua.

Ông Hương cũng cho biết mỗi ngày, trại ông chi hơn 800.000 đồng cho công tác tiêu độc khử trùng. "Từ Tết nguyên đán đến nay, bình quân mỗi tháng hết 24 triệu tiền thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại như thế. Chưa kể mỗi tháng trên 1 tỉ đồng tiền thức ăn cho heo, nếu heo đến lứa mà không bán được thì không biết tôi phải duy trì bằng cách nào", ông Hương nói.

Không riêng ông Hương, chủ những trang trại lớn và nhỏ khác tại địa phương nằm giáp ranh với Đồng Nai này cũng đang khóc ròng, lo lắng bảo vệ đàn heo hàng nghìn con của họ.

"Với tình hình này, chỉ khoảng một tháng nữa là chúng tôi sẽ lỗ nặng, hết cầm cự nổi, nếu không muốn nói là chết chắc. Thương lái không mua thì heo phải giữ tại trại, trong thời gian đó, tiền cám, tiền phòng ngừa dịch bệnh… đội lên hàng ngày. Chúng tôi thậm chí không dám nghĩ đến", chủ một trại nuôi khác cho biết.

Theo người chăn nuôi, không bán được nhưng họ phải chứng kiến giá heo hơi rớt thê thảm từng ngày, chỉ còn trên dưới mức 35.000 đồng/kg. Thương lái thậm chí đã đặt cọc trước nhưng đến ngày cuối cùng lại huỷ.

Vùng có dịch tả heo châu Phi khổ, nơi không dịch cũng hoang mang

Anh T.H. - chủ một hộ chăn nuôi có hơn 100 con heo đến tuổi xuất chuồng tại Đồng Nai, cho hay hiện rao giá 35.000 đồng nhưng không thương lái nào thèm ngó đến.

Thông tin dịch tả châu Phi vừa xuất hiện ở Đồng Nai, giá heo hơi từ hơn 40.000 đồng rớt chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg  - Ảnh 2.

Hai huyện của Đồng Nai công bố dịch tả heo châu Phi khiến người chăn nuôi hoang mang vì heo không mắc bệnh cũng không thể bán được. (Ảnh: Thanh Niên)

Anh H. nói khu vực nuôi của anh không nằm trong vùng dịch, cũng không nằm trong bán kính quanh vùng dịch phải kiểm soát. Còn những hộ chăn nuôi không có heo bệnh như ở trong vùng bán kính phải kiểm soát thì lái ép xuống còn 32.000-33.000 đồng/kg. Mức giá này thì lỗ nặng, không đủ bù đắp chi phí thức ăn, con giống.

Vào cuối năm trước, giá heo hơi tại Đồng Nai cao nhất lên đến 55.000 đồng/kg.

Ngoài ra, tại Đồng Nai, các hộ chăn nuôi cũng cho biết tỉnh cần công bố rộng rãi phương án hỗ trợ người chăn nuôi nếu có dịch bệnh, để tránh tình trạng bán đổ, bán tháo làm lây lan mầm bệnh ra các vùng khác. Việc công bố thông tin hỗ trợ cũng khiến người chăn nuôi an tâm hơn.

Trong tình hình tiêu thụ heo khó khăn, người chăn nuôi cũng hi vọng người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo trong thời gian tới, bởi dịch tả heo châu Phi không lây sang người và cần nhận biết đúng thịt heo sạch, rõ nguồn gốc để mua, tránh gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.

Dịch tả heo châu Phi đang được khống chế

Trước đó, UBND hai huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom đã công bố thông tin dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn. 

Các địa phương cho hay sau khi phát hiện đã tiêu huỷ đàn heo mắc bệnh và thực hiện các chốt kiểm dịch nghiêm ngặt, để hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có ổ dịch, cấm giết mổ đưa vào, mang ra hoặc lưu thông heo, tránh phát tán nguồn bệnh.

Thông tin dịch tả châu Phi vừa xuất hiện ở Đồng Nai, giá heo hơi từ hơn 40.000 đồng rớt chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg  - Ảnh 3.

Theo cơ quan Thú y huyện Trảng Bom, hiện tại tình hình dịch tả heo châu Phi đang được khống chế và tạm ổn. (Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).

Một nguồn tin tại huyện Trảng Bom cho biết dịch tả heo châu Phi hiện chỉ mới phát hiện ở một hộ duy nhất trong địa bàn.

Các hộ chăn nuôi liền kề đang được theo dõi sát sao. Lực lượng thú y vẫn thực hiện đủ các biện pháp chuyên môn. Hiện tại tình hình vẫn đang được khống chế và tạm ổn. Thú y huyện vẫn chưa nhận thêm bất cứ thông tin nào khác từ bà con chăn nuôi ở khu vực phát hiện hiện ổ dịch.

Theo vị này, hiện người chăn nuôi cần bình tĩnh theo dõi thông tin từ chính quyền.

Hai huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom đã công bố dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn, theo các công văn được kí vào lần lượt hai ngày 2/5 và 4/5. Tuy nhiên, chiều tối 6/5, trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng địa bàn tỉnh chưa có dịch tả heo châu Phi.

Theo ông Chánh, hai ổ dịch đó là dịch heo tai xanh. Hai văn bản công bố trên là do hai huyện làm ẩu.