TP HCM lập hàng loạt điểm chốt chặn khắp cửa ngõ phòng chống dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại Đồng Nai, tỉnh giáp ranh TP HCM. Ngay lập tức, thành phố đã bổ sung nhiều phương án ứng phó để phòng ngừa. Hiện TP HCM là đầu mối tiêu thụ heo nhiều nhất cả nước.

UBND TP HCM đã ban hành quyết định mới về việc bổ sung nội dung các tình huống thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Trước đó, từ ngày 9/1/2019, thành phố cũng đã có Quyết định số 122/QĐ-UBND về phòng chống dịch.

Lập nhiều chốt trên cao tốc Dầu Giây - TP HCM, cửa ngõ ở Củ Chi

Theo đánh giá của UBND TP HCM, thời gian qua, dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập và lây lan vào các tỉnh phía Nam ngày càng cao, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngành chăn nuôi.

Đặc biệt, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đã công bố thông tin phát hiện một ổ dịch trên địa bàn ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Việc Đồng Nai nằm sát TP HCM, khiến nguy cơ dịch tả heo châu Phi lây lan trở càng cao hơn.

TP HCM lập hàng loạt điểm chốt chặn khắp cửa ngõ phòng chống dịch tả heo châu Phi  - Ảnh 1.

TP HCM bổ sung nhiều phương án ứng phó để chủ động phòng ngừa dịch tả heo châu Phi. (Ảnh minh hoạ: Báo Đồng Nai).

Các phương án phòng chống dịch tả heo châu Phi của TP HCM đưa ra quy định rõ ràng với từng khu vực, gồm tình huống dịch tả chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền Trung; các tỉnh có cung cấp nguồn thịt heo cho thị trường thành phố, đặc biệt là trường hợp dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn.

Theo quyết định mới, trong trường hợp dịch tả heo châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền Trung, TP HCM sẽ lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động trên tuyến cao tốc Dầu Giây - TP HCM, để kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ hướng các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào thành phố.

Tại Củ Chi cũng sẽ lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động tại khu vực cầu Phú Cường, đoạn giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương, để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào thành phố, hay quá cảnh thành phố đi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trên các tuyến đường thuỷ, Công an TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo qua tuyến đường sông.

Đồng thời, các cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh giết mổ trên địa bàn chỉ tiếp nhận heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong đó ưu tiên nguồn heo thịt đến tuổi xuất chuồng của người chăn nuôi thành phố, không tổ chức thu mua heo từ các điểm thu gom, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, dễ phát sinh dịch bệnh.

Lập chốt ở Quốc lộ 50, cao tốc Trung Lương

Trong tình huống dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh cung cấp thịt heo cho thành phố, UBND TP HCM cho biết sẽ lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ vào thành phố, như Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP HCM đi Trung Lương, Tiền Giang, đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10)  nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển vào thành phố giết mổ, tiêu thụ. 

TP HCM lập hàng loạt điểm chốt chặn khắp cửa ngõ phòng chống dịch tả heo châu Phi  - Ảnh 2.

UBND TP HCM vận động hộ kinh doanh giết mổ tổ chức thu mua đàn heo đến tuổi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Tại quận 12, thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khu vực cầu Phú Long, kiểm soát vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo qua cửa ngõ này.

TP HCM cũng sẽ làm việc với các tỉnh trong khu vực có cung cấp nguồn heo sống, sản phẩm thịt heo để xác định những nguồn heo an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố giết mổ tiêu thụ. Thành phố vận động các hộ kinh doanh giết mổ tổ chức thu mua đàn heo đến tuổi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, để chủ động giảm đàn, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh.

Tiêu huỷ heo trong vòng 24-48h nếu dịch xảy ra

UBND TP HCM cũng đặt trường hợp xấu nhất là dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn, khi đó, biện pháp xử lí sẽ là tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh.

Cụ thể, đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả.

Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn heo bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả heo châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Trường hợp trang trại số lượng lớn, có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ heo trong dãy chuồng. Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kì. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

chọn