Thu hút vốn đầu tư vào startup ở Đông Nam Á tăng trưởng 91% trong quí II

Trong bối cảnh tình hình phức tạp từ Covid-19, các startup công nghệ tài chính, thương mại điện tử và logistic đang là điểm nhấn khi nhận được giá trị đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD trong 3 tháng quí II năm nay.

Bất chấp tình hình phức tạp từ Covid-19, vốn đầu tư vào startup Đông Nam Á đã tăng vọt trong quí II năm nay, . Thương mại điện tử và công nghệ tài chính là lĩnh vực đáng chú ý nhất khi dịch bệnh xóa nhòa ranh giới giữa nhà và nơi làm việc.

Theo dữ liệu từ Dealstreetasia, số vốn mà các startup Đông Nam Á gọi được trong 3 tháng quí II lên đến 2,7 tỉ USD, tăng 91% so với cùng kì trước đó. Số trường hợp nhận đầu tư cũng tăng 59% lên 184 thương vụ.

Nhiều quốc gia trong khu vực buộc phải tuyên bố phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Kuo Yi Lim, người đồng sáng lập quĩ đầu tư Monk's Hill Ventures, cho rằng rất nhiều giao dịch đã được thực hiện trong thời gian đầu năm nay.

Từ năm 2010, Đông Nam Á được coi là thị trường cực kì sôi động với các startup. Trong quí đầu tiên năm nay, hai "startup" đời đầu là Grab và Gojek đã huy động 2 tỉ USD, tương đương 70% lượng vốn đầu tư trên qui mô khu vực sau 3 tháng đầu năm.

Đầu tư vốn startup khu vực tăng trưởng 91% trong quí II/2020 - Ảnh 1.

10 thương vụ gọi vốn lớn nhất với các startup Đông Nam Á quí II/2020. (Ảnh: Nikkei).

Câu chuyện quí II năm nay hoàn toàn khác: Mảng thương mại điện tử đang chiếm ưu thế với việc gọi vốn thành công 691 triệu USD. Hai vị trí tiếp theo thuộc về fintech với 496 triệu USD và logistic với 360 triệu USD. Một số công ty qui mô địa phương cũng có thể gọi vốn, cho thấy đại dịch là cơ hội cho một loạt công ty mới.

Tokopedia, hãng thương mại điện tử đến từ Indonesia, là công ty nhận nhiều vốn nhất trong khu vực trong 3 tháng vừa qua với 500 triệu USD từ Temasek Holdings.

Sàn Tiki cũng nhận 130 triệu USD đầu tư từ thương vụ gọi vốn với nhà đầu tư chính là Northstar Group. Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh, phó tổng giám đốc Tiki, công ty đạt mức tăng trưởng lớn về lượng khách trong mùa dịch.

Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên, các công ty logistic cũng hưởng lợi. Ninja Van của Singapore trong tháng 5 đã kịp chốt hợp đồng nhận đầu tư 279 triệu USD trong khi Kargo của Indonesia cũng nhận vốn 31 triệu USD.

Ở mảng công nghệ tài chính, những cái tên nổi bật trong quí gần nhất là Paymaya của Philippines và Wave Money của Myanmar. Họ lần lượt gọi vốn thành công 120 triệu USD và 73,5 triệu USD.

Trong khi các startup về công nghệ hưởng lợi trong mùa dịch, nhiều công ty khởi nghiệp buộc phải giảm chi phí để tồn tại, đặc biệt là các startup trong lĩnh vực vận chuyển và du lịch, như Gojek hay Traveloka. Cả hai công ty đều phải sa thải hàng loạt nhân sự để giảm chi phí.

Đầu tư vốn startup khu vực tăng trưởng 91% trong quí II/2020 - Ảnh 2.

7,9% vốn đầu tư startup tại Đông Nam Á "chảy" vào Việt Nam. (Ảnh: Nikkei).

Việc cắt giảm nhân sự của Gojek đến gần như ngay sau khi họ phát đi thông báo nhận đầu tư từ Facebook và các công ty công nghệ hàng đầu thế giới khác như Tencent hay Paypal. 

Mặc dù lượng tiền đầu tư vào Đông Nam Á tăng vọt trong quí II, nhưng theo nhiều nhà đầu tư trả lời phỏng vấn KrAsia, dòng vốn sẽ chậm lại nếu tình hình dịch bệnh có khả năng kéo dài. 

"Dần dần, dòng vốn đầu tư vào các startup sẽ được siết chặt hơn, đặc biệt là các vòng đầu tư giai đoạn sau với đa phần các nhà đầu tư đến từ thị trường quốc tế. Sự suy thoái kinh tế và hạn chế về đi lại khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn", Kuo Yi Lim tuyên bố. 

Michael Lint, một đối tác của quĩ đầu tư Golden Gate Ventures tại Singapore, cho rằng các vòng gọi vốn sớm của startup sẽ chậm lại vào cuối năm, nhất là trong trường hợp khủng hoảng kinh tế diễn biến xấu hơn.


chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.