Thử nghiệm thành công tẩy độc Dioxin bằng công nghệ vi sinh

Từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017, các nhà khoa học Hàn Quốc và Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm xử lý Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) bằng công nghệ vi sinh.
thu nghiem thanh cong tay doc dioxin bang cong nghe vi sinh
Xử lý thử nghiệm đất ô nhiễm Dioxin tại sân bay A Sho (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: VACNE

Đây là dự án sự hợp tác giữa các nhà khoa học Công ty sinh học BJC (Hàn Quốc) và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE).

Trong giai đoạn 1961-1971, trên địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), quân đội Mỹ đã rải 432.812 lít thuốc diệt cỏ (chứa 11 kg Dioxin). Sân bay dã chiến A Sho chịu nặng nề nhất do đây là nơi đậu máy bay và rửa chất Dioxin. Đến nay, sân bay A Sho được chia làm ba khu vực A, B, C tùy theo mức độ nhiễm dioxin. Trong đó, khu A là khu vực nguy hiểm nhất, rộng 1,65 ha, nơi con người có thể bị nhiễm độc Dioxin ngay lập tức nếu không có biện pháp bảo hộ.

Trên diện tích đất rộng 100 m2, sâu 1 m tại khu A của sân bay A Sho, các nhà khoa học đã tiến hành xử lý thử nghiệm bằng hai chủng vi khuẩn của Hàn Quốc đã được xác định là an toàn sinh học cấp 1, chưa hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng.

Việc thử nghiệm được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, theo hai gian đoạn: Xử lý kỵ khí trong 3 tháng và ngay sau đó chuyển sang xử lý hiếu khí

Kết quả bước đầu cho thấy phương pháp sử dụng thử nghiệm diễn ra đúng quy trình và đáp ứng yêu cầu về kĩ thuật xử lý sinh học hiện hành, phù hợp và khả thi với điều kiện của địa phương. Dù có nhiều khó khăn, nhất là những bất lợi về thời tiết, bị khống chế về thời gian và kinh phí, nhưng việc thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho đạt hiệu suất tới 35%.

Công nghệ được sử dụng tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, khả thi và có hiệu quả rõ rệt đối với vùng đất có hàm lượng Dioxin <200ppt.

Ông Vũ Chiến Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đánh giá cao sự nhiệt tình, có trách nhiệm và tính khoa học của các nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam trong việc triển khai thử nghiệm công nghệ vi sinh để xử lý đất ô nhiễm Dioxin tại sân bay A Sho.

Sau Hội thảo, VACNE sẽ kiến nghị với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả thử nghiệm và xem xét quyết định việc triển khai các hoạt động xử lý đất ô nhiễm Dioxin ở sân bay A Sho trong thời gian tới.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...