Chiều 20/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức buổi làm làm việc với lãnh đạo TP HCM về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, phương hướng phát triển trong 6 tháng cuối năm, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong thông tin: Năm 2020, UBND TP HCM đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố với tổng số vốn là 41.691,846 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách thành phố là 33.940,764 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương là 7.751,082 tỉ đồng.
Tính đến ngày 15/7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỉ đồng, tương đương với 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kì.
Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỉ đồng) thì tỉ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.
Tuy nhiên, việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm còn chậm như đường sắt đô thị. Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc huy động nguồn lực xã hội trong một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thành phố cam kết thành phố sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. UBND TP HCM sẽ tổ chức giao ban cứ hai tuần một lần về giải ngân đầu tư công, hằng tháng đi giám sát thực địa.
Với tinh thần đó, 6 tháng cuối năm, thành phố đề ra các giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn, giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%.
Đồng thời, sẽ thành phố tổ chức cuộc gặp các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng kí đầu tư vào thành phố nhưng phải dừng lại do dịch Covid-19 để rà soát, động viên nhà đầu tư tiếp tục. Thành phố sẽ nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội để phát triển.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với các nhóm dự án.
Nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Nhóm dự án đầu tư đang thực hiện theo phương thức đối tác công tư với các vấn đề liên quan đến thủ tục thanh toán dự án BT: dự án BT xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm,...
Về một số dự án FDI, thành phố nêu ra một số khó khăn và đề xuất cụ thể đối với dự án Saigon Centre IV, Saigon Centre V của Công ty TNHH Keppel Land Watco và dự án Eco Smart City trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lí nhu cầu vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025.
Để thúc đẩy TP HCM có mức tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề.
Trước hết, Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng. Thủ tướng yêu cầu TP HCM, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ để hàng hóa đến tận khu công nghiệp, đến người công nhân, đến xã, phường.
Thứ hai, thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP.
“Tôi đề nghị các đồng chí phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5 - 8% GDP của thành phố. Cho nên cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm.
Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với kinh tế số, thương mại điện tử của TP HCM và cũng cho đây là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thành phố rất lớn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn.