Thủ tướng: Thị trường bất động sản và trái phiếu tiếp tục khó khăn, cần tháo gỡ nhanh

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai,...

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh. 

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.

Đồng thời, nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất. Khơi thông thị trường liên ngân hàng. Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn thanh khoản và hệ thống. Chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành, giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp,...

 

Theo dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản được ban hành mới đây, Chính phủ giao NHNN rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh.

Xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ, NHNN chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Với Bộ Tài chính, Chính phủ giao rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.

Trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp bất động sản đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản,...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.