Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư công khai dự án nhà ở xã hội

Doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai thông tin về dự án nhà ở xã hội để người dân biết, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại cuộc họp về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, chiều 17/5.

Thủ tướng khẳng định phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, sẽ giải tỏa bức xúc xã hội.

Để người dân có thể tiếp cận với nhà ở xã hội, ông yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư công bố công khai thông tin về dự án. Cùng đó, họ phải lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công dự án.

Với chính quyền địa phương, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu sớm quy hoạch nhà ở xã hội, chọn nhà đầu tư, duyệt đối tượng mua, giá bán. "Các thủ tục này phải làm nhanh, thuận lợi", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội chiều tối ngày 17/5. (Ảnh: VGP).

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có hơn 500 dự án nhà ở xã hội đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Con số này tăng thêm 4 dự án, 6.950 căn so với giữa tháng 3.

Theo Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, người dân có nhu cầu mua có thể tra cứu thông tin các dự án chuẩn bị mở bán tại cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng hoặc qua sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có trách nhiệm quy định và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

Tuy vậy, người dân có nhu cầu mua và đăng ký mua nhà ở xã hội nhiều lần phản ánh khó tiếp cận thông tin các dự án này. Gần đây, tại một chương trình gặp gỡ lãnh đạo UBND TP HCM, các công nhân cho biết rất khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội bởi nguồn cung khan hiếm, chỉ thấy trên tivi, còn không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao.

Liên quan tới gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã rút gọn điều kiện cho doanh nghiệp vay. Hiện, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), thêm TPBank và VPBank đăng ký tham gia, với số tiền mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng.

 

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.144 tỷ đồng, gồm 1.133 tỷ cho chủ đầu tư; 11 tỷ đồng cho người mua nhà.

 

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của đề án. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm. Các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương "quyết liệt, tích cực với các kế hoạch, dự án cụ thể". Các thủ tục, điều kiện cho vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê mua phải đơn giản hơn.

Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng được giao phối hợp để Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch.

Các quy định liên quan nhà ở xã hội phải giảm giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng được giao sớm hoàn thiện quy trình đầu tư xây dựng, nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói tín dụng cho người mua, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.