Ủy ban Kinh tế đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội và có giải pháp xử lý tình trạng lách luật đầu tư, mua bán phân khúc này.

Sáng 13/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo của Chính phủ, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn nhiều khó khăn. Thẩm tra báo cáo, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận những khó khăn của thị trường địa ốc vẫn tiếp diễn do vướng ở khâu quy trình, thủ tục phát triển dự án nhà ở xã hội. Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa phương tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chung cư tăng giá khoảng 40% so với 5 năm trước.

Tương tự, giá đất nền cũng tăng trở lại tại các thành phố lớn, thậm chí giá tăng cục bộ do đầu cơ, gây ảnh hưởng tới nhu cầu nhà ở của người dân, lao động.

"Thậm chí, thị trường xuất hiện tình trạng lách luật đầu tư, mua bán nhà ở xã hội", ông Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.

Theo cơ quan thẩm tra, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội. Trước tiên, người có nhu cầu thực (ở, sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/5. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội). 

Cùng đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ. "Người nghèo đang phải trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.

Trong khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phân khúc này giải ngân rất chậm. Đến nay mới có một nửa địa phương công bố 71 dự án tham gia chương trình này. Các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng. 12 dự án được giải ngân, khoảng 956 tỷ. Số này gồm 947 tỷ cho chủ đầu tư của 8 dự án và 9 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.

Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng vào cuối tháng 3, các địa phương phát triển nhà ở xã hội không đều. Chẳng hạn, Hà Nội, TP HCM số lượng căn hộ chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Nhiều nơi không có dự án được khởi công 3 năm qua, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi.

TP HCM dự kiến hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội vào 2025, song đến nay số dự án thực hiện được rất ít. Đối thoại với lãnh đạo TP HCM cuối tuần trước, công nhân, người lao động cho biết rất khó khăn tiếp cận nhà ở xã hội, nguồn cung khan hiếm, chỉ thấy trên tivi.

Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trước mắt thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng giao là 26.500 căn. Các vị trí dự án đã được xác định.

Trước thực tế khó khăn này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, sửa các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Việc này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà, tiếp cận vốn vay gói tín dụng nhà ở xã hội.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.