Phát biểu với Wired, tỉ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft bình luận rằng việc tập đoàn mà ông gây dựng quyết định mua TikTok có thể dẫn tới nhiều phiền toái cho tập đoàn. Ông không thể đoán kết cục của quá trình đàm phán, song dự báo thương vụ sẽ phức tạp và ví nó như một liều thuốc độc với Microsoft.
"Việc Microsoft trở thành đối thủ lớn lớn trong lĩnh vực mạng xã hội sẽ khiến tập đoàn đối mặt với cấp độ kiểm duyệt nội dung hoàn toàn mới", vị tỉ phú đã rời khỏi Microsoft nhận định.
Mặc dù vậy, Bill Gates nhận định sự xuất hiện của những doanh nghiệp cạnh tranh với mạng xã hội Facebook là xu hướng tốt đối với công chúng. Ông thể hiện sự ngạc nhiên trước quyết tâm chặn đứng TikTok của của Tổng thống Donald Trump, bởi "vòng kim cô" của ông Trump đã trực tiếp giúp Facebook loại một đối thủ đáng gờm và duy nhất.
Bill Gates cũng bày tỏ sự quan ngại về tiềm năng thật sự của thương vụ thâu tóm TikTok sau khi ông Trump bất ngờ đưa ra đề xuất Bộ Tài chính Mỹ nên được “chia phần” cho những thương vụ như thế.
Cựu tổng giám đốc Microsoft cảm thấy bất an về tiềm năng thực sự của thương vụ mua TikTok sau khi ông Trump đề nghị Microsoft chuyển một phần tiền cho Bộ Tài chính Mỹ. Theo Gates, đề xuất chia phần cho Bộ Tài chính là một ý tưởng lạ thường, song Microsoft sẽ phải chấp nhận để mua TikTok.
Hôm 2/8, Microsoft xác nhận họ đang thực hiện tiến tình mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, New Zealand và Australia. Hôm 6/8, Financial Times tiết lộ tập đoàn cũng thảo luận thêm khả năng mua lại hoạt động của TikTok ở châu Âu và Ấn Độ.
Ông Trump từng tuyên bố Nhà Trắng sẽ cấm TikTok hoạt động ở Mỹ, và ban đầu ông không ủng hộ ý tưởng mua lại TikTok của Microsoft. Nhưng sau cuộc nói chuyện với tổng giám đốc Microsoft, ông đã đồng ý để tập đoàn đàm phán với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và đưa ra hạn chót để thương vụ hoàn tất là ngày 15/9.
Washington sợ TikTok sẽ giúp Bắc Kinh do thám công chức và các nhà thầu của chính phủ Mỹ, thu thập dữ liệu cá nhân, lấy cắp bí mật doanh nghiệp và thực hiện những chiến dịch xuyên tạc thông tin.
TikTok phủ nhận mọi cáo buộc, còn Bắc Kinh phản đối các mệnh lệnh hành pháp của Trump đối với TikTok, tuyên bố họ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ban lãnh đạo TikTok nói họ cảm thấy sốc trước mệnh lệnh của ông Trump, bình luận rằng chính quyền Mỹ không để cho TikTok một thời hạn để chuẩn bị, và mệnh lệnh cũng không phù hợp với pháp luật Mỹ.
"Mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump có thể phá hoại niềm tin của giới doanh nghiệp toàn cầu đối với cam kết tôn trọng pháp luật của Mỹ - thứ đóng vai trò là lực hút đầu tư và động lực tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong nhiều thập kỉ, TikTok tuyên bố trong một bài viết trên blog.
Bài viết nhấn mạnh rằng lệnh cấm của ông Trump tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với khái niệm tự do ngôn luận và thị trường tự do.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi phương thức có thể để bảo đảm rằng chính phủ Mỹ không coi thường nền pháp trị và TikTok cũng như người dùng của chúng tôi nhận sự đối xử công bằng. Nếu chính phủ Mỹ không thể đối xử công bằng với chúng tôi và người dùng, chúng tôi sẽ phải nhờ tới các tòa án Mỹ", TikTok khẳng định.