Tiền điện người thuê trọ nhảy vọt: Do chủ nhà trọ hay ngành điện?

Các chủ cho thuê trọ cho rằng không nắm được cách tính tiền điện. Còn các Cty điện lực lại cho rằng đã tuyên truyền, làm hết trách nhiệm.
Tiền điện người thuê trọ nhảy vọt: Do chủ nhà trọ hay ngành điện? - Ảnh 1.

Chủ trọ đổ lỗi cho Cty điện lực

Báo Tiền Phong ngày 2/5 đăng tải cụm bài “Choáng với tiền điện nhảy vọt”, trong đó có bài “Chủ trọ té nước theo mưa”. Sau khi bài viết xuất bản, nhiều bạn đọc tiếp tục phản hồi về cách tính tiền điện cho người thuê trọ.

Chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, (Quế Võ, Bắc Ninh) phản ánh, gia đình có 10 phòng trọ cho công nhân khu công nghiệp (KCN) thuê, tiêu thụ từ 400 - 500 kWh/tháng.

Theo giá điện cũ, gia đình chị thu của công nhân khoảng 3.000 đồng/ kWh. Từ tháng 4/2019, giá điện tăng, chị thu của công nhân 3.500 đồng/ kWh và ngay lập tức bị công nhân phản ứng.

Theo chị Huyền, với giá điện mới, gia đình chị chịu giá lũy tiến, cao nhất 2.927 đồng/ kWh (tính cả thuế xấp xỉ 3.200 đồng/ kWh). “Chúng tôi buộc phải tính tăng tiền điện của công nhân lên 3.500 đồng/số, bởi còn phải chịu tiền bơm nước, chiếu sáng và các chi phí sửa chữa” - chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, với cách tính lũy tiến như thế cả chủ trọ và công nhân đều chịu thiệt. Trong khi đó, từ trước đến nay, gia đình chị không nắm được chủ trương kê khai, tính giá điện cho người thuê trọ.

“Cty điện lực không có công văn hướng dẫn cho người dân triển khai. Trong khi giá điện tăng lại có thông báo đến từng gia đình”, chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, thông qua báo Tiền Phong, gia đình mới biết cách tính điện giá rẻ cho người thuê trọ.

“Chúng tôi hỏi nhân viên thu tiền điện, họ nói không biết, phải xuống Cty điện để hỏi. Bây giờ, chúng tôi muốn biết để đăng ký cần phải thực hiện thủ tục thế nào?

Bên điện lực cần thông báo hướng dẫn về đơn từ, mẫu như thế nào. Khu vực này có đến hàng nghìn hộ cho thuê trọ, nếu ai cũng đi hỏi, giải quyết kiểu thế nào?”, chị Huyền đề nghị.

Anh Trần Văn Miện cũng có hơn chục phòng cho thuê tại thôn Giang Liễu (Phương Liễu, Quế Võ) cho biết, gia đình anh mỗi tháng tiêu thụ hết khoảng 500 kWh và chưa nắm được các chính sách, chủ trương hay cách tính tiền điện theo các mức khác nhau.

“Chỉ biết giá điện nhà nước tăng thì chúng tôi cũng phải tăng, mà tăng sẽ ảnh hưởng đến công nhân. Họ làm xa nhà, tiền điện nước tăng sẽ tác động ngay đến cuộc sống và chủ nhà trọ cũng bị liên đới.

Chúng tôi không thu lên thì bị thiệt, mà thu lên thì công nhân có ý kiến. Trong khi, điện lực cũng không giải thích làm thế nào để có lợi cho chủ trọ, có lợi cho công nhân”, anh Miện nói.

Cty điện lực: Đã làm hết trách nhiệm?

Ông Vũ Sỹ Tư, GĐ Điện lực Quế Võ cho biết: “Ở Quế Võ, ngay từ đầu chúng tôi đã tổ chức họp các bên, các sở ban ngành,UBND huyện, xã, đại diện chủ trọ, trưởng thôn… Họ không chọn đăng ký hợp đồng giá định mức số hộ để tính giá điện theo quy định cho người thuê.

Ngoài ra, không giống với huyện khác, ở Quế Võ, công nhân họ nhảy việc nhiều, nay ở chỗ này, mai chuyển chỗ khác nên để áp dụng phương thức tính theo số hộ khiến các chủ trọ thấy phức tạp.

Nếu đăng ký công nhân chuyển đến, chuyển đi, chủ trọ phải thường xuyên ký lại hợp đồng thuê, hợp đồng điện, khai báo tạm trú…”. Ông Tư cho biết thêm, ngoài tuyên truyền vận động của các bên, khách hàng mua điện cần phải tìm hiểu và chủ động ra đăng ký để đảm bảo quyền lợi.

Ông Dương Văn Tấn, Phó trưởng phòng Kinh doanh (Điện lực Quế Võ) cho biết, từ tháng 8/2018, ngoài thông báo, Cty còn chủ động xuống từng hộ tuyên truyền, có nhiều biện pháp siết chặt giá bán đến công nhân.

Số liệu thống kê giá bán điện cho người thuê nhà để ở tới tháng 3/2019 tại Quế Võ cho thấy, trong tổng số 1.298 hộ có nhà cho thuê trên địa bàn có tới 1.177 hộ ký hợp đồng theo giá sinh hoạt bậc 3 (cách tính giá điện cho người thuê trọ - PV).

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc tăng giá điện

Ngày 3/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Thanh Tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh giá điện.


Văn bản nêu rõ, thời gian qua một số phương tiện thông tin đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và thu tiền điện gây nhiều bức xúc cho người dân, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.


Như Tiền Phong phản ánh, chỉ mới vào đầu cao điểm mùa nắng nhưng nhiều hộ dân ở phát hoảng khi nhận hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí hơn 3 lần so với những tháng trước.


Về nguyên nhân chính làm cho hoá đơn tiền điện tăng cao, EVN cho rằng do lượng tiêu thụ tăng cộng số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày).

Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước…

Văn Kiên


chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...