Một dự án đang thi công xây dựng tại Tp.HCM. Ảnh: Thịnh Châu |
Theo các chuyên gia, tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án hiện nay đang phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, bằng khoảng trên dưới 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên có thể nói doanh nghiệp gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế "xin-cho", nhũng nhiễu và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này.
Bên cạnh đó, “tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự. Mức giá đội thêm này cuối cùng người mua nhà sẽ phải chịu”, ông Châu cho biết.
Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín cũng cho rằng, tiền sử dụng đất đang là “thuế ẩn danh" và là gánh nặng cho cả doanh nghiệp đầu tư dự án và người mua nhà.
Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, họ không có tiền sử dụng đất như Việt Nam bởi những nước này chính phủ công nhận quyền sở hữu đất của tư nhân. Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam. Việc chuyển nhượng từ người này qua người khác hay phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp,… đều là những yếu tố làm tăng thêm giá đất và được bên bán ngầm tính vào giá bán khiến cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Tp.HCM thừa nhận, tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư dự án phải đóng hiện nay là không nhỏ trong tổng chi phí đầu tư dự án. Một khi đầu vào dự án cao thì giá bán sản phẩm đầu ra cũng sẽ được điều chỉnh làm sao để cân bằng tương ứng.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng đã có những kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan. Theo đó, HoREA cho rằng, Nhà nước đang thu tiền sử dụng đất một lần rất lớn, nhưng về lâu dài, nếu đã giao hết đất thì sẽ không còn nguồn thu ngân sách lớn này nữa, mà cần phải bổ sung, thay thế bằng Thuế tài sản.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy việc xây dựng đề án Luật Thuế tài sản cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất để tránh tình trạng "thuế chồng thuế", theo hướng quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế đánh trên hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất khoảng 10-15%. Cơ sở tính dựa trên trên bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm bằng hệ số điều chỉnh giá đất (k) phù hợp với giá thị trường.
Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế "xin-cho", kéo giảm mức thu tiền sử dụng đất rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn.
“Trên cơ sở đó, sẽ bổ sung Luật Thuế tài sản (đất ở, nhà ở), để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, để bù đắp sự sụt giảm nguồn thu ngân sách do giảm nguồn thu tiền sử dụng đất, các địa phương cần khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch để tăng nguồn thu bổ sung cho ngân sách” HoREA kiến nghị.
Đánh thuế nhà 700 triệu: Tiền đâu mà đóng?
Theo Dự thảo đánh thuế nhà ở, đất ở của Bộ Tài chính vừa đề xuất, mức thuế đưa ra nếu được áp dụng sẽ ... |
Đánh thuế nhà 700 triệu: Chưa phù hợp với Việt Nam hiện nay
Mặc dù cho rằng việc đánh thuế tài sản đối với nhà ở, đất ở không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế ... |
Đánh thuế nhà trên 700 triệu: Lo ngại giao dịch bất động sản sụt giảm
Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động ... |