Đồng hành với các chương trình cùng các ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam không đơn thuần chỉ là dự án cộng đồng của Tiki.
Thông qua 2 chương trình "Tiki đi cùng sao Việt” và Quỹ Tiki Foundation, Tiki có lẽ là công ty thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam công bố hợp tác lâu dài với giới nghệ sĩ trong nước.
Cụ thể đối với chương trình "Tiki đi cùng sao Việt”, đại diện công ty sẽ hỗ trợ kinh phí sản xuất các sản phẩm nghệ thuật cho nghệ sĩ, trong năm 2019, dự án này dự kiến sẽ tạo ra 100 sản phẩm. Còn đối với Tiki Foundation, công ty sẽ hỗ trợ các tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo ông Võ Quốc Hưng, Trưởng Bộ phận Tiếp thị công ty Ureka Media, đây là chương trình cả hai bên đều có lợi. “Tập khách hàng mua sắm trực tuyến thường xuyên của Tiki và các ca sĩ đều là giới trẻ, nên sự cộng hưởng từ việc hợp tác này là rất lớn”, ông Hưng cho biết.
Cụ thể, theo ông Hưng, việc đồng hành cùng các video âm nhạc như Bạc Phận (K-ICM, 100 triệu view), Đừng Yêu Nữa, Em Mệt Rồi (MIN, hơn 50 triệu view), Anh Ở Lại (Chi Pu, hơn 50 triệu view)... đã giúp thương hiệu Tiki xuất hiện ít nhất 200 triệu lần chỉ trong thời gian ngắn.
Thú vị nhất là chi phí rất hấp dẫn so với chi phí quảng cáo video nếu Tiki tự làm. Theo tìm hiểu của NCĐT, chi phí tính mỗi view của người sử dụng xem video (cost per view - CPV) trung bình hiện nay là 230 đồng.
Để có một video có 50 triệu view như video âm nhạc của Chi Pu chẳng hạn, Tiki phải tốn khoảng 11 tỉ đồng.
Trong khi đó, chi phí đầu tư sản xuất video âm nhạc với ca sĩ thì thấp hơn rất nhiều. Đại diện Tiki từ chối chia sẻ cụ thể về chi phí đầu tư trung bình cho mỗi video âm nhạc, nhưng con số chưa kiểm chứng cho thấy việc này dao động từ 300-500 triệu đồng/video ca nhạc.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được xem là cạnh tranh khốc liệt theo kiểu “đốt tiền”. Tiki cũng có khoản lỗ lũy kế trong những năm qua là hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó năm 2018 lỗ đến 760 tỉ đồng. Vì vậy, rót tiền cho các ngôi sao ca nhạc sẽ “đốt” thêm tiền của Tiki trước các đối thủ, nhưng cũng có thể là giải pháp ít tốn kém nhất.
Không lâu sau khi công bố chương trình hợp tác cùng ca sĩ để tăng nhận diện thương hiệu, Tiki công bố hợp tác cùng Unidepot, đơn vị cung cấp hạ tầng kho bãi, trong việc mở rộng trung tâm vận hành mới ở Nhà Bè (TP HCM). Những người đứng đầu Tiki hiểu rằng, trong lĩnh vực thương mại điện tử, các đơn hàng được giao thành công quan trọng hơn các cuộc bắt tay hào nhoáng.
Trải nghiệm xấu về mua hàng diễn ra sau các chương trình quảng bá thương hiệu có thể tạo ra tác dụng ngược khó kiểm soát.
“Đối với các công ty thương mại điện tử, khi kho vận được hoàn thiện, khách hàng và các đối tác bán hàng sẽ nhận được nhiều giá trị như chất lượng hàng hóa đảm bảo, rút ngắn thời gian giao nhận, chi phí thấp hơn...”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki, cho biết.
Chính vì thế, mục tiêu của công ty năm nay là mở rộng hệ thống kho bãi và duy trì tốc độ giao hàng TikiNow 2h trong nội thành và dự kiến ra mắt gói TikiNow 3h (áp dụng cho nhiều mặt hàng hơn TikiNow 2h). Tính đến hiện tại, công ty vận hành kho bãi với tổng diện tích khoảng 40.000 m2 và kỳ vọng đạt 100.00 m2 trong năm 2019.
Không khó để hiểu quyết định này của Tiki vì thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là cuộc chiến của bộ tứ Shopee (Sea), Lazada (Alibaba), Tiki và Sendo (FPT). Trọng tâm của cuộc chiến là thu hút các nhà bán hàng tham gia và giảm thời gian giao hàng.
Không riêng Tiki, năm 2018, LEL Express (đơn vị giao nhận của Lazada Việt Nam) đã đưa xe trợ điện vào giao hàng ở các quận nội thành. Với việc giao hàng bằng xe trợ điện, tổng khối lượng hàng hóa trên mỗi chiếc xe có thể đạt 70 kg, tăng 40% so với giao bằng xe máy. Thứ đến, công ty này đầu tư vào hệ thống phân loại hàng hóa tự động, để đảm bảo tiến độ giao nhận vào giờ cao điểm nhưng lượng nhân sự tăng không quá 40%.
Mặt khác, cũng không loại trừ khả năng đằng sau việc đầu tư hạ tầng kho bãi và hợp tác với ca sĩ, nhằm mở rộng tập khách hàng ở nông thôn của Tiki. Nhất là việc hợp tác với các ca sĩ, đây là đối tượng gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mua hàng của người dân ở các khu vực này.
Theo ông Hoàng Giang, Giám đốc Điều hành eTop, dữ liệu cho thấy tỉ lệ đơn hàng ở nông thôn đang chiếm hơn 50%, cách đây 4 năm là 25-30%.
“Nếu chia nhỏ, doanh thu ở các tỉnh vẫn chiếm tỉ lệ thấp nhưng là thị trường tiềm năng nếu giải quyết bài toán thời gian giao nhận và chi phí giao nhận tốt”, ông Giang nói.
Trên thực tế, Tiki thừa nhận trong thời gian qua, công ty chỉ ưu tiên khách hàng ở các thành phố lớn, chiếm 90% doanh thu. Công ty đang đi chậm hơn Lazada và đặc biệt là Shopee trong việc tấn công các tỉnh, thành. Bằng chiến lược giao hàng miễn phí trong hơn 3 năm qua, Shopee đã thu hút được khá nhiều người bán, người mua ở các tỉnh, thành tham gia. Là người đến sau trong cuộc đua khốc liệt, đó là lý do Tiki buộc phải chơi nổi.