Toà án nhân dân (TAND) TPHCM đã ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến vụ việc CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House - Mã: TDH) bị truy thu thuế.
TAND TP HCM cho biết đã nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính sơ thẩm thụ lý đơn về việc khiếu kiện quyết định hành chính, cũng như nhận được công văn của Cục Thuế TP HCM ngày 24/2 về việc đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến vụ việc của Thuduc House.
Quyết định của Toà án ghi "xét thấy căn cứ các tài liệu chứng cứ và các tình tiết có liên quan đến vụ việc thì biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng không còn thuộc trường hợp khẩn cấp. Do đó, việc tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời là không còn căn cứ. Vì lẽ đó, TAND TP HCM quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được ban hành ngày 25/1".
Trước đó, ngày 24/2, Cục Thuế TP HCM đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân TP HCM đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến hành vi vi phạm có dấu hiệu trốn thuế tại Thuduc House.
Trong văn bản, Cục Thuế TP HCM đề nghị Chánh án TAND TP HCM hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thu hồi tiền thuế kịp thời.
Trong trường hợp TAND TP HCM không hủy bỏ, dẫn đến doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi tiền thuế vào ngân sách nhà nước, trách nhiệm thuộc về TAND TP HCM.
Cơ quan thuế cho rằng, đây là vụ án rất lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều doanh nghiệp.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Hành vi của các nhóm đối tượng cấu thành nhiều tội danh như: Tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, trốn thuế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Còn Tổng cục Hải quan đã xác định có 70 doanh nghiệp có liên quan đến vụ án, trong đó có cả những doanh nghiệp "ma". Trong đó, một số doanh nghiệp do các đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội.
Một trong những thủ đoạn chính của Thuduc House là thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu, làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Trước khi thông tin trốn thuế của Thuduc House được công bố thì từ đầu tháng 11, con trai và vợ của ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT của công ty đã liên tục thoái vốn. Trong đó, con trai ông Hiếu đã bán sạch 77.510 cổ phiếu TDH còn vợ ông đã thoái 500.000 cổ phiếu, giảm sở hữu xuống 0,11%, tương ứng với 126.964 cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.965 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 87% so với năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ trong năm 2020 ghi nhận âm hơn 30 tỷ đồng, trong khi cả năm 2019 ghi nhận hơn 139 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2004, Thuduc House báo lỗ cả năm.
Theo giải trình của doanh nghiệp, doanh thu hoạt động tài chính giảm là nguyên nhân kéo theo lợi nhuận sau thuế sụt giảm. Trong khi vào năm 2019, TDH ghi nhận lãi thanh lý đầu tư, chuyển nhượng vốn góp dự án Phú Mỹ - Vũng Tàu.