Tổng giám đốc Alpha Real: Nhiều CĐT uy tín bị vạ lây bởi hình thức biến tấu condotel thành kênh huy động vốn

Theo Tổng Giám đốc Alpha Real, nhiều chủ đầu tư đã biến tấu condotel thành kênh huy động vốn, cam kết trả lãi cao mà không có năng lực vận hành, không có năng lực quản lí… dẫn tới “vỡ trận”, gây ảnh hưởng đến các chủ đầu tư uy tín.

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (27/2), ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Alpha Real cho biết, làn sóng đầu tư condotel xuất hiện vài năm trước đây khi thị trường có sự vào cuộc của một số chủ đầu tư lớn.

Tuy nhiên, khi thấy có quá nhiều nhà đầu tư đón nhận, nhiều chủ đầu tư khác đã biến tấu condotel thành kênh huy động vốn, cam kết trả lãi cao mà không có năng lực vận hành, không có năng lực quản lí… dẫn tới “vỡ trận” như trường hợp của Cocobay vừa qua, làm nhà đầu tư mất niềm tin vào condotel, các chủ đầu tư uy tín cũng bị ảnh hưởng theo. 

Tổng giám đốc Alpha Real: Nhiều CĐT uy tín bị vạ lây bởi hình thức biến tấu condotel thành kênh huy động vốn - Ảnh 1.

Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Alpha Real. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp).

"Vậy, phải làm thế nào để chủ đầu tư uy tín vẫn có đất diễn?", vị này đặt câu hỏi. Bản chất của condotel là kinh tế chia sẻ nên sẽ phù hợp để phát triển thúc đẩy hạ tầng du lịch để lôi kéo và đáp ứng lượng lớn khách trong nước và khác quốc tế đến Việt Nam.

Khi đó các chủ đầu tư làm ăn uy tín, có năng lực vận hành vẫn có điều kiện phát triển tốt, không để các chủ đầu tư không có năng lực biến thành kênh huy động vốn dẫn tới kiện tụng.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, sau trường hợp “vỡ trận” của Cocobay và sau khi văn bản số 703 của Bộ TN&MT ban hành, nhà đầu tư đã chuyên nghiệp hơn và biết chọn lọc chủ đầu tư, không còn chạy theo cam kết lợi nhuận cao. Vị này dẫn chứng, các dự án condotel của Alpha Real đã giao dịch tốt hơn nhiều từ đầu năm nay, nhà đầu tư cũng bắt đầu quay trở lại.

Cũng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho condotel, ông Bùi Xuân Hiền, Tổng Giám đốc CTCP Nhà Phương Nam Việt Nam cho biết, lâu nay, thị trường condotel phát triển nóng khiến khung pháp lí đôi khi không theo kịp. Do đó, có hai vấn đề cần hiểu rõ và đưa ra khung pháp lí phù hợp.

Thứ nhất, giữa việc đăng kí và cấp quyền sở hữu đất condotel. Đang có nhiều thông tin cho rằng chủ đầu tư condotel chưa xin được giấy phép sở hữu đất đã khiến các nhà đầu tư lo lắng.

"Nhưng trên thực tế, điều này không quan trọng, xét góc độ thị trường chúng ta phải đi theo thị trường, kinh tế chia sẻ. Nếu dự án đăng kí nằm trên khu đất nào thì cấp sổ như vậy, không liên quan hoạt động của dự án như thế nào, bởi hoạt động của dự án liên quan tới cấp phép và bên du lịch. Do đó, chúng ta không được lẫn lộn vấn đề này", ông Hiền nói.

Thứ hai, chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì đó là vấn đề thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng. Đây là điều bình thường trong quan hệ đầu tư, kinh doanh, kể cả là bất động sản thông thường vẫn có những tranh chấp kiểu này.

Tóm lại, vị này cho rằng, khi tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel thì các bộ, ngành phải cùng bắt tay tháo gỡ, không riêng gì Bộ VHTT&DL và Bộ TN&MT. Xét về đầu tư tài chính, dưới góc độ phát triển kinh tế xã hội thì condotel là loại hình cần được khuyến khích phát triển.

Condotel thời hạn 50 năm là hợp lí?

Theo GS. Đặng Hùng Võ, tắc nghẽn trong việc phát triển condotel thời gian vừa qua là do chế độ sử dụng đất và lỗi của các chủ đầu tư trong việc lựa chọn phương thức kinh doanh.

Cụ thể, về chế độ sử dụng đất, vẫn còn nhiều tranh cãi về thời hạn sử dụng ngắn hạn hay dài hạn. Còn đối với các chủ đầu tư, hiện nay họ chỉ chọn một phương thức đó là kinh doanh hộ khách hàng và cam kết trả lợi nhuận.

"Tôi thấy không có kiểu kinh doanh nào có thể trả lợi nhuận lên tới 12 - 15%/năm. Do đó, cần đa dạng hóa các phương thức kinh doanh condotel. Giải được hai nút thắt này thì condotel sẽ phát triển rất mạnh", ông Võ nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, condotel có thời hạn 50 năm là hợp lí nhưng gắn với nó phải có các chính sách tài chính.

Về giải pháp, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, muốn condotel phát triển thì cần phải gỡ hai nút thắt chính.

Thứ nhất, đó là gắn sự phát triển của condotel với chính sách phát triển về đất đai. Tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, khi đầu tư vào condotel sẽ không bị vướng bởi đã có chế độ sử dụng đất rành mạch. Tại đây, nếu doanh nghiệp muốn thuê đất với thời gian ngắn thì thì sẽ được hưởng mức thuế thấp, còn muốn thuê dài hạn thì thuế mức thuế phải chịu sẽ cao.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chính sách đất đai đã có thể không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Do đó, doanh nghiệp khi đầu tư vào condotel đang gặp một số vướng mắc.

Do đó, theo ông Võ, nên gắn liền chính sách đất đai với chính sách thuế. Khi doanh nghiệp muốn thuê đất với thời gia dài thì vẫn có thể cho thuê với thời gian dài nhưng khi ấy thuế đất sẽ phải nộp cao hơn.

Và ngược lại nếu như doanh nghiệp muốn thuê đất với thời gian thấp thì thuế đất cũng được đánh giá thấp hơn. Chính sách như vậy sẽ làm thay đổi quan niệm của doanh nghiệp về bất động sản.

Thứ hai là phải chú ý đến phương thức kinh doanh condotel. "Tại sao chúng ta cứ lấy cam kết lợi nhuận là tiêu chí kinh doanh Condotel? Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể kinh doanh condotel theo nhiều phương thức khác chứ không chỉ dựa trên cam kết lợi nhuận", GS Võ nhấn mạnh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.