Trong quý I/2024, lãi suất tiền gửi tiếp tục xu hướng giảm và nhiều khả năng đã chạm đáy. Đồng thời, những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có sự phục hồi đã khiến dòng tiền gửi vào ngân hàng chậm lại đáng kể.
Sau ba tháng đầu năm, tổng tiền gửi tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (không gồm Agribank) chỉ tăng 0,7% so với cuối 2023, tương đương thêm 68.600 tỷ đồng. Trong khi đó, trong quý liền trước (quý IV/2023), số dư tiền gửi tăng thêm lên tới 562.800 tỷ đồng.
Có 10/28 ngân hàng báo cáo số dư tiền gửi giảm so với đầu năm. Trong đó, ABBank ghi nhận tốc độ sụt giảm sâu nhất, ở mức 16,5% hay giảm 16.500 tỷ đồng. Ngoài ra, TPBank, Vietcombank cũng có mức sụt giảm tiền gửi cao. Ở chiều ngược lại, LPBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng tiền gửi trên 10%.
Xét về quy mô, BIDV đang dẫn đầu với 1,73 triệu tỷ đồng tiền gửi vào cuối quý I/2024, tăng 30.100 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Agribank không công bố báo cáo tài chính theo quý nhưng vào cuối năm 2023, tổng tiền gửi của ông lớn này đạt 1,82 triệu tỷ đồng.
Hai thành viên còn lại trong nhóm Big4 là VietinBank và Vietcombank lần lượt nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư lần lượt là 1,43 triệu tỷ đồng và 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% và giảm 3,5% so với cuối năm 2023. Lý giải về sự sụt giảm trong tiền gửi khách hàng, Vietcombank cho biết ngân hàng đã chủ động giảm huy động để duy trì biên lãi thuần (NIM) và hiệu quả sử dụng vốn.
Trong nhóm cổ phần, thứ hạng từ vị trí số 4 đến 7 không có thay đổi. MB vẫn là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi nhất, với số dư đạt 558.800 tỷ đồng. Những vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Sacombank, ACB, Techcombank. VPBank đã vượt qua SHB để trở thành nhà băng nhận tiền gửi nhiều thứ 8. Vị trí cuối cùng trong Top 10 thuộc về HDBank.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ, do tiền gửi sụt giảm sâu, ABBank đã giảm hai bậc, xếp sau Vietbank, VietABank.