TP HCM cần gần 686.000 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 25/6, tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2025, các đại biểu HĐND TP HCM đã thảo luận, thông qua Nghị quyết cho ý kiến đối với kế hoạch và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP HCM.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố là 685.862 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn vốn ngân sách địa phương dự kiến là 672.862 tỷ đồng để thực hiện hơn 5.000 dự án theo định hướng trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của Thành phố; nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là hơn 13.000 tỷ đồng.

Theo tờ trình của UBND TP HCM, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương trong nước là 6.957,8 tỷ đồng được dự kiến cân đối bố trí đủ vốn cho 2 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 gồm: Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm và dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP HCM; đồng thời, cân đối bố trí đủ vốn cho hai dự án chuẩn bị đầu tư đã được HĐND TP HCM thông qua gồm Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và Xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương nước ngoài là 6.968,5 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 7 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2022. Các dự án gồm: Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2; Vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2; Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM; Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ đào không hở tại TP HCM; Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - thành phần 7; Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Theo Nghị quyết của HĐND TP HCM, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần bám sát kế hoạch nguồn vốn Trung ương, đảm bảo đúng các tiêu chí, quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; bám sát, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, triển khai hiệu quả 3 chương trình đột phá và chương trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2020-2025 đã được Đại hội Đảng bộ TP HCM lần XI đưa ra.

Nguyên tắc bố trí nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ưu tiên vốn quyết toán cho các dự án có phát sinh nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần phải bố trí bổ sung để tất toán dự án; dành vốn cho khối lượng các chủ đầu tư đã giải ngân, chuẩn bị đầu tư trong năm 2021 đối với các dự án chuyển tiếp chưa thực hiện đầu tư xây dựng và chưa đủ điều kiện tiếp tục triển khai...

Cùng đó, nguồn vốn được ưu tiên cho Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 của thành phố và Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; bố trí nguồn vốn theo nhiệm vụ quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và các chương trình dự án, đối tượng đầu tư công cấp thiết phải thực hiện ngay trong giai đoạn này.

HĐND TP HCM giao UBND Thành phố thường xuyên theo dõi, kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ Thành phố thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần thúc đẩy các tỉnh lân cận phát triển.

Về phía UBND TP HCM, cần tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. UBND Thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, đặc biệt là dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án; có giải pháp tập trung xử lý dứt điểm các dự án được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư trước khi có Luật Đầu tư công năm 2014…

Nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được tập trung vào các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào ngành, lĩnh vực then chốt, khu vực được xác định là động lực tăng trưởng, dự án lớn kết nối liên vùng, dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tác động lan tỏa... Nguồn vốn này cũng tập trung đầu tư các dự án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.