Trước đó, UBND TP HCM đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các sở ngành liên quan mở rộng công tác tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và thải bỏ đúng túi ni lông.
Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ cam kết giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Mỗi ngày các hệ thống phân phối bản lẻ của TP HCM sử dụng hơn 9 tấn túi ni lông, đa phần trong số này là ni lông khó phân hủy. (Ảnh Đại Việt) |
Cục Thuế TP có trách nhiệm giám sát việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy lưu thông, phân phối trên thị trường cũng như tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Đồng thời, UBND TP yêu cầu các tiểu thương cần hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni lông cho người tiêu dùng và nên sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
Cùng với kiến nghị nói trên, UBND TP HCM cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra giám sát việc sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường theo đúng hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận túi nilông thân thiện môi trường. Có quy định về nhãn túi ni lông thân thiện môi trường giúp người dân, các tổ chức cá nhân, bán lẻ dễ nhận biết.
Sở Công Thương TP HCM cho biết, mỗi ngày các hệ thống phân phối bản lẻ của TP sử dụng hơn 9 tấn túi ni lông. Đa phần trong số này là ni lông khó phân hủy. Trong đó, có đến 80% lượng ni lông được sử dụng tại mạng lưới các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. |
Túi polyetylen (PE) hay còn gọi là túi ni lông được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 50 thế kỷ 20 do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. Đến nay chưa xác định chính xác được thời gian nó phân hủy. Tuy nhiên, các nhà môi trường, khoa học cho rằng quá trình túi ni lông phân hủy có thể mất từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Dù đã phân huỷ và lẫn vào đất thì chất nhựa PE sẽ làm đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng . Không kể những tác hại môi trường mà các thế hệ sau phải gánh chịu, túi ni lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp vào người sử dụng. Làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh… Túi ni lông cũng đe doạ trực tiếp tới sức khoẻ con người vì nó chứa chì, cadimi… (có trong mực in tạo mầu trên các bao bì) có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Vấn đề đối với túi ni lông là chúng không phân huỷ thành các chất vô hại, phân huỷ rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài. Tác hại nghiêm trọng của túi ni lông đối với môi trường khiến nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm sản xuất và buôn bán túi ni lông ở các mức độ và quy mô khác nhau, tùy điều kiện kinh tế xã hội của mình. Thủ đô Dhaka của Bangladesh là thành phố đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng túi ni-lông từ năm 2002; những chiến dịch tương tự như cấm hoặc hạn chế sử dụng cũng diễn ra ở Rwanda, Đài Loan, Singapore, Israel, Ấn Độ, Botswana, Eritrea, Kenya, Tanzania, Nam Phi, Italia, Úc, Mỹ, Anh, Pháp, Ailen… Mới đây nhất, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm sử dụng túi ni-lông siêu mỏng trong một nỗ lực giảm ô nhiễm và tiết kiệm nguồn tài nguyên dầu mỏ. |