Sở Xây dựng TP HCM vừa thống kê hiện trạng các chung cư được xây dựng trước năm 1975. Kết quả, còn 15 chung cư đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào, đe dọa mạng sống hàng ngàn người dân.
Tử thần trên đầu
Đó là tình cảnh của gia đình bà Trần Thị Ngọc Liễu, ngụ chung cư 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1. Theo bà Liễu, nhà bà có người suýt chấn thương đầu vì những mảnh vỡ bê-tông trên trần nhà rớt xuống. "Mỗi ngày chúng rớt càng nhiều khiến chúng tôi luôn bất an" - bà Liễu lo lắng. Dù luôn sống trong lo sợ nhưng gia đình bà Liễu không thể di dời đi do không đủ điều kiện thuê nhà khác và chưa thống nhất với mức giá đền bù mà cơ quan nhà nước đưa ra.
Bà Liễu dẫn chúng tôi tham quan một vòng. Ngay tại lối cầu thang ra vào có một mái hiên bong tróc chỉ còn lớp sắt. Mấy năm trước, người dân ở đây phải góp tiền thuê thợ đến hàn khung sắt đỡ tạm, phòng ngừa sụp đổ. Do diện tích căn hộ ở chung cư này rất nhỏ, từ 30-40 m2 nên các hộ đã tự ý đập tường bên trong, trổ cửa để mở rộng diện tích phòng khiến cho kết cấu tổng thể bị biến dạng và yếu đi. "Nguồn gốc ban đầu là nhà tập thể nhưng dần dần ai cũng cơi nới, lấn chiếm khiến nơi đây nhếch nhác và nhiều chỗ bị hư hỏng rất nặng" - bà Liễu thông tin.
Ở chung cư 23 Lý Tự Trọng có 77 căn nhưng số hộ đi nơi khác sinh sống chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Hiện việc kinh doanh tầng trệt vẫn sầm uất và các căn hộ ở những tầng trên lúc nào cũng đông đúc người dân ra vào.
Tương tự, khi có mặt tại chung cư 155-157 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, phóng viên nhận thấy cầu thang lên xuống đã hỏng nặng. Một số căn hộ bên trong đã bong tróc bê-tông để lộ nhiều ống sắt. Người dân nơi đây hầu hết phải tự mua vật liệu về trám, bịt lại để hạn chế nguy hiểm. "Dù biết chung cư đã bị hỏng một góc và nếu chúng sụp sẽ kéo theo toàn bộ chung cư đổ nhưng bà con ở đây ít người chịu đi. Phần thì vị trí chung cư thuộc diện "đất vàng". Nếu không ở thì cho thuê giá trị rất cao" - ông Lưu, cư dân ở đây, cho biết và kể thêm: Tuần trước, khi vừa ra khỏi nhà thì mảng bê-tông ở hành lang rớt xuống suýt trúng vào đầu ông. Theo ghi nhận, dấu hiệu cho thấy sự nguy hiểm lớn nhất đối với chung cư tại khu phố Tây Bùi Viện là sân thượng có một vết nứt lớn, trông như tách chung cư ra làm hai.
Còn tại chung cư Trúc Giang, quận 4, nhìn tổng thể bên ngoài hết sức rệu rã. Đứng ở khoảng cách hơn 30 m vẫn nhìn thấy một vết nứt ở mặt ngoài chung cư. Vết này kéo dài từ tầng trệt lên đến tầng 3. Đáng nói là chung cư này còn nguy cấp hơn 2 chung cư nói trên nhưng các căn hộ vẫn kín người ở. Lối lên cầu thang có những bậc bị hỏng, chằng chịt vết trám hoặc dùng gỗ lót lên để thay thế.
Ông Trần Văn Trọng, hộ dân ở tầng 3 chung cư, cho biết vào tháng 12-2017, con ông đang tắm thì một mảng bê-tông rơi trúng đầu, phải băng bó. "Dù nguy hiểm nhưng giờ chưa nhận được tiền đền bù nên chúng tôi vẫn chưa mua được nơi ở mới. Sống ở trong chung cư này lo lắm nhưng chẳng biết làm gì, chỉ cầu mong là không có chuyện bất trắc xảy ra" - ông Trọng than thở.
Chung cư Trúc Giang đang xuống cấp nghiêm trọng với nhiều chỗ bong tróc nặng |
Khó đạt tiến độ
Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết năm 2016, TP đặt mục tiêu đến năm 2020 phải giải tỏa hết 474 chung cư xây dựng trước năm 1975. Tuy nhiên, cuối năm, nhận thấy khó khả thi nên giảm 50% số này và cho cơ chế đặc quyền để quận - huyện chủ động giải quyết. Thế nhưng, tổng kết năm 2017, chỉ có 3 chung cư giải tỏa ở quận 1, quận 3 và quận Bình Thạnh.
"Hiện có 15 chung cư nguy cấp có thể sập đổ bất cứ lúc nào nhưng chỉ 2 trong số đó đã có chủ đầu tư. Số còn lại vẫn còn nhiều thủ tục chưa hoàn thành. Trách nhiệm này giao quận - huyện chủ động thực hiện" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng nói và dự báo với tình hình hiện tại thì khó đạt được tiến độ. Lý do thứ nhất là muốn đập bỏ phải đồng thuận 100% hộ dân sống trong chung cư. Thứ hai, nhiều chủ đầu tư sau khi "xí phần" rồi không chịu triển khai dẫn đến trễ hẹn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết địa phương có 25 lô chung cư cũ, xây dựng giai đoạn 1968-1970 với số lượng hơn 3.300 hộ. Đến nay, niên hạn sử dụng đã hết, công trình xuống cấp nghiêm trọng. Để triển khai kịp tiến độ thì người dân phải đồng thuận. Khi giải tỏa diện tích cũ của dân là 1 m2 thì phải đền bù 1,1 m2; căn hộ tầng trệt có kinh doanh khi giải tỏa 1 m2 phải xây mới đền bù 2 m2. Trong quá trình giải tỏa, xây dựng, chủ đầu tư phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân muốn tái định cư tại chỗ, hỗ trợ hằng tháng cho các hộ tầng trệt do bị ảnh hưởng kinh doanh. Mặc dù quận 10 đưa ra nhiều giải pháp và phương án được đánh giá khả thi nhưng kế hoạch giải quyết các chung cư cũ phải kéo dài đến năm 2025 mới hoàn thành.
Tháo dỡ khẩn... Báo cáo mới nhất của UBND quận 1 về chung cư 23 Lý Tự Trọng nhận định: "Chung cư đang nguy hiểm tổng thể và phải tháo dỡ khẩn". Tuy nhiên, đến quý III/2018 mới thực hiện cưỡng chế phá dỡ. Tức người dân hiện vẫn sinh sống ở đây đến gần cuối năm nay. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin việc lựa chọn chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư do người dân quyết định. Việc đền bù giải tỏa dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và hộ dân, kinh phí thực hiện không tạm ứng ngân sách. |
Nhiều người trẻ phạm tội ác nghiêm trọng: Không chỉ đổ lỗi cho giáo dục
Vừa qua, sau vụ thảm sát cả 5 người trong một gia đình tại TPHCM do nghi can Nguyễn Hữu Tình vừa tròn 18 tuổi ... |
Đường trăm tỉ chưa nghiệm thu đã hỏng
Chưa nghiệm thu và bàn giao nhưng dự án đường nối Khu Kinh tế Hòn La với KCN xi măng tập trung Tiến - Châu ... |
Nỗi lo trường, lớp xuống cấp
Trường, lớp xuống cấp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, lạc hậu đang là nỗi lo lắng không nhỏ của ban giám hiệu, giáo ... |