TP HCM mời gọi đầu tư 48 dự án 9,5 tỷ USD vào Hóc Môn và Củ Chi

Một số dự án giao thông dự kiến được kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 gồm Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Chiều 12/4, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.

Thông qua Hội nghị, TP HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương 216,5 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, tương đương 213,9 nghìn tỷ đồng.

12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; ba dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp.

Hai dự án thương mại – dịch vụ 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, việc kêu gọi đầu tư là một trong những bước nhằm phát triển khu vực Tây Bắc TPHCM trở thành khu đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ hướng tới hình thành “Đô thị hiện đại và sinh thái” trong tương lai.

 Một góc huyện Củ Chi. (Ảnh: Người Lao động).

Trong Hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Trần Quang Lâm cho biết, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021 - 2025 là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP 218.239 tỷ đồng và vốn khác như TW, ODA, PPP,… là 315.290 tỷ đồng) và giai đoạn 2026 - 2030 là 437.125 tỷ đồng.

Đồng thời, vị lãnh đạo cho biết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND TP phê duyệt.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước với nhiều dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.

Đơn cử như: Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai huyện ngoại thành TP HCM có tổng diện tích khoảng 544 km2, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của TP.

Đây là cửa ngõ kết nối TP với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Về phân vùng phát triển, Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 đã xác định mô hình phát triển TP là mô hình tập trung - đa cực.

Trong đó xác định khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn - được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TP HCM. 

Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của TP về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài…, còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.